Cha mẹ đồng hành, con được cởi bỏ áp lực học tập

GD&TĐ - Cha mẹ hiểu và đồng hành, áp lực học tập của trẻ sẽ được cởi bỏ. 

Nữ sinh Biện Đỗ Hà Ngọc bên cạnh người cha thân yêu, thầy giáo Biện Văn Nam. Ảnh: Thành Tâm
Nữ sinh Biện Đỗ Hà Ngọc bên cạnh người cha thân yêu, thầy giáo Biện Văn Nam. Ảnh: Thành Tâm

Mặt khác, có được định hướng phù hợp năng lực, đam mê từ phụ huynh cũng giúp học sinh giành được thành tích trên con đường chinh phục tri thức.

Không tạo áp lực

Đạt tổng điểm khối D là 28,05 (Tiếng Anh: 9,8; Toán: 9; Ngữ văn 9,25), nữ sinh Biện Đỗ Hà Ngọc, lớp chuyên Anh (Trường THPT chuyên Nguyễn Du) đã xuất sắc trở thành thủ khoa của tỉnh Đắk Lắk trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (năm học 2020 - 2021), Hà Ngọc cũng đạt thủ khoa đầu vào của ngôi trường này.

Ông Biện Văn Nam (bố của Hà Ngọc) cho biết, bản thân là nhà giáo, xã hội luôn đặt nhiều câu hỏi về việc con cái được dạy dỗ, giáo dục thế nào? Nhưng với gia đình ông, việc học của con do con tự chọn và quyết định chứ không hề gây áp lực. “Cơ bản con tự học. Vợ chồng tôi chỉ động viên con học đến đâu chắc đến đó. Kể cả các kỳ thi, cũng tạo tâm lí thoải mái nhất để con tham gia. Có những cuộc thi, con đủ điều kiện và thầy cô đề nghị tham gia, nhưng con không thích thì bố mẹ cũng khuyến khích con không tham dự”, ông Nam nói.

“Quá trình con đi học, gia đình cố gắng đáp ứng đầy đủ về tài liệu và các điều kiện học tập, đặc biệt là sách. Con cần học, đọc loại sách nào, hiếm đến đâu thì bố mẹ nhiều kênh mua bằng được. Chúng tôi cũng khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp để rèn luyện kĩ năng sống. Từ đó đưa ra gợi ý để con xác định hướng đi phù hợp với năng lực học tập, đam mê nghề nghiệp về sau”, ông Nam cho biết thêm.

Cô giáo chủ nhiệm Thái Thị Thu Hiền (Trường THPT chuyên Nguyễn Du) cho biết: “Hà Ngọc sống vui vẻ, hòa đồng, được thầy cô, bạn bè tin yêu. Hơn thế, điều mọi người nể phục ở em ngoài thành tích học tập tốt, còn bởi tính kỷ luật cao trong nền nếp, rèn luyện. Đây là đức tính tôi muốn những học sinh khác của mình noi theo...”.

Hà Ngọc cho biết: “Bố mẹ không gây áp lực và luôn có phương pháp riêng để động viên em thực hiện nền nếp sinh hoạt, học tập. Em được hoàn toàn tự chọn, quyết định học thầy cô nào, môn gì cho phù hợp với mong muốn, năng lực của bản thân”.

Nữ sinh Biện Đỗ Hà Ngọc. Ảnh: NVCC

Nữ sinh Biện Đỗ Hà Ngọc. Ảnh: NVCC

Tự săn học bổng gần 9 tỷ đồng

Nguyễn Hoàng Nguyên (lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Du) nổi tiếng là người tạo thành tích lịch sử khi đại diện Việt Nam 2 năm liên tiếp giành huy chương Olympic Kinh tế quốc tế (IEO). Chưa dừng lại ở đó, Nguyên còn săn thành công học bổng toàn phần trị giá 38 nghìn USD tại Đại học Duke, Mỹ.

Vui mừng vì con trai đạt Huy chương Bạc Olympic IEO cũng như nhận học bổng “khủng”, cô Bùi Thị Hiệp (mẹ Hoàng Nguyên), Trường THPT Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cho biết, thành tích có được do sự nỗ lực, tìm tòi, học tập của con.

“Từ lớp 10, Nguyên đã ở trọ tại TP Buôn Ma Thuột để theo học Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk). Nhà xa, bố mẹ chỉ hỗ trợ con về tài chính và động viên tinh thần. Khi con gặp khó khăn, bố mẹ mới phân tích, gợi mở để giúp con vượt qua.

Còn học môn gì, tham dự kỳ thi nào đều toàn do Nguyên tìm hiểu, nỗ lực. Gia đình hoàn toàn tôn trọng quyền lựa chọn phương pháp, hình thức học tập, rèn luyện để con phát huy hết phẩm chất, năng lực và đam mê bản thân”, cô Hiệp cho biết.

Nam sinh Nguyễn Hoàng Nguyên, 2 năm liền đoạt huy chương IEO. Ảnh: NVCC

Nam sinh Nguyễn Hoàng Nguyên, 2 năm liền đoạt huy chương IEO. Ảnh: NVCC

Nguyên cho biết, ngoài thời gian học còn sắp xếp tham gia tranh biện và từng làm Chủ tịch Câu lạc bộ Tranh biện của trường. “Tranh biện giúp em phát triển thêm về tư duy phản biện và những kiến thức xã hội thú vị khác mà em chưa từng tìm hiểu trước đó.

Em coi tiếng Anh như công cụ quan trọng để tiếp cận nguồn thông tin, tư liệu học tập trong bộ môn Kinh tế học và kết nối với các anh chị, các bạn có chung niềm đam mê. Ở trường, em học chuyên Anh và học thêm tiếng Pháp. Sắp tới ở bậc đại học em dự định học thêm tiếng Trung”, Nguyên cho biết.

Nói về dự định trong thời gian tới, Nguyên chia sẻ, năm thứ nhất đại học em sẽ tìm kiếm các cơ hội về nghiên cứu, mở rộng thêm những mối quan tâm học thuật trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Nguyên mong có cơ hội đóng góp cho Olympic Kinh tế Việt Nam hoặc các dự án về giáo dục kinh tế học khác để tiếp tục đào tạo thêm các bạn đến với IEO cũng như thúc đẩy sự phát triển của môn Kinh tế học ở bậc trung học...

Khác với chương trình của các trường quốc tế, môn Kinh tế không nằm trong chương trình học ở bậc phổ thông ở trường công lập tại Việt Nam. Vì thế, Nguyên và các bạn học sinh trong đội tuyển IEO phải dành 100% thời gian tự học.

“4 tháng trước kỳ thi thì em bắt đầu học các cuốn giáo trình Kinh tế từ cơ bản đến nâng cao và học song song với bài vở trên lớp để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em dành thời gian để luyện đề năm trước của IEO và tham khảo thêm đề thi lập đội tuyển của các nước khác. Giai đoạn cuối em luyện tập thêm các kĩ năng cần thiết cho phần thi Tài chính giả lập và phần Kinh doanh của IEO, vì các phần này chiếm đến 50% số điểm cuối cùng”, Nguyên nói về hành trình tự học của bản thân.

Thầy Nguyễn Đăng Bồng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Du, cho hay: “Hoàng Nguyên có ý thức học tập tốt, tự giác, khả năng tự học, nghiên cứu cao. Cả 3 năm học em đều có kết quả nằm trong tốp đầu của trường. Em là thành viên đội tuyển môn Tiếng Anh của Đắk Lắk dự thi học sinh giỏi quốc gia. Hoàng Nguyên là niềm tự hào của trường và của ngành Giáo dục tỉnh”.

TS Phan Bá Lê Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn - cho rằng: Khi nói đến quá trình giáo dục, rèn luyện học sinh, chúng ta thường tập trung vào vai trò chủ đạo của nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, gia đình là tế bào của xã hội, nơi truyền thụ các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Vai trò của gia đình thể hiện ở truyền thống, tình yêu thương của ông bà, cha mẹ cho con cháu. Vì vậy, thông qua gia đình mới là con đường gần nhất, chắc chắn nhất để giáo dục, rèn giũa nhân cách học sinh theo chuẩn mực tốt đẹp của gia đình và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.