Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp cho biết, CGV có quyền gắn camera để giám sát các hoạt động tại rạp như ăn uống, sử dụng điện thoại, livestream trái phép.
Tuy nhiên việc nhân viên CGV lại lợi dụng việc giám sát camera để chụp lại ảnh riêng tư và tung lên mạng xã hội khi chưa có sự đồng ý của khách hàng là trái với quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo ý kiến của luật sư, CGV có quyền gắn camera để giám sát các hoạt động tại rạp như ăn uống, sử dụng điện thoại, livestream trái phép; việc lắp đặt camera phục vụ cho nhu cầu quản lý, giám sát, phát hiện và ngăn ngừa những hành vi vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật sẽ không được coi là xâm phạm quyền riêng tư.
Luật sư Thái cho rằng, rạp chiếu phim là không gian thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp, nhằm mục đích kinh doanh, do đó, khi lắp camera trong rạp CGV dù không cần thông báo cho khách hàng nhưng phải có trách nhiệm quản lý thật tốt các cơ sở dữ liệu, hình ảnh trong phạm vi quản lý của rạp.
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
"Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Người nào chịu trách nhiệm quản lý, lưu giữ các hình ảnh của người khác qua camera giám sát tại nơi mình lắp đặt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ở đây, theo luật sư Thái, phía CGV lại không quản lý tốt nhân viên của mình, để cho nhân viên lợi dụng công việc là giám sát lưu trữ, sử dụng hình ảnh riêng tư của khách hàng là đã có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.