Theo đó, vào ngày 29/7, hình ảnh một cặp đôi có hành vi thân mật thái quá trên ghế Sweetbox thuộc hệ thống rạp CGV được cắt từ camera giám sát bất ngờ bị lọt ra ngoài và phát tán trên các nhóm kín, diễn đàn trên trang mạng xã hội.
Sự việc thu hút nhiều luồng ý kiến tranh cãi và bức xúc từ cư dân mạng. Trước thông tin về vụ việc, đại diện CGV cho biết do lợi dụng việc quản lý camera giám sát, khi thấy các hình ảnh nhạy cảm của khách, nhân viên cụm rạp của CGV đã chụp lại hình ảnh của khách sau đó đăng tải lên mạng xã hội. Hiện CGV đã đình chỉ nhân viên phát tán hình ảnh trên và cam kết rút kinh nghiệm.
Về phía cộng đồng mạng, bên cạnh lên án đôi nam nữ có hành vi phản cảm nơi công cộng, nhiều khách hàng lại lên tiếng đòi tẩy chay CGV vì đã xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng khi chưa bao giờ được thông báo là rạp chiếu phim có gắn camera.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, nhiều người đặt ra câu hỏi, trường hợp này nhân viên sẽ bị xử lý ra sao, trách nhiệm của CGV là gì? Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp cho biết một số quan điểm xung quanh vấn đề này.
Theo luật sư Thái, việc khách hàng thuê ghế Sweetbox (ghế dành cho các cặp đôi với vách ngăn riêng tư) thuộc hệ thống rạp CGV (Công ty CJ CGV Việt Nam) là họ muốn có một sự riêng tư nhất định.
Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra, người chụp lại hình ảnh “nhạy cảm” của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể:
- Người phát tán, tiết lộ bí mật đời tư của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định;”
- Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Đồng thời, luật sư Thái cho hay, trường hợp hình ảnh đó được cơ quan chuyên môn giám định là hình thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy, thì người phát tán ảnh chụp đó có thể bị truy cứu thêm về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Còn về trách nhiệm của phía CGV, theo luật sư Thái thì cần xem xét xem các quy định nội bộ của CGV về công tác bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu hình ảnh được quy định như thế nào?
Trong trường hợp CGV đã có quy định rõ ràng nhân viên trong rạp không được phép sử dụng, chụp lại và đưa các hình ảnh nhạy cảm của khách hàng lên mạng mà nhân viên này cố tình đưa lên, bất chấp các quy định của CGV thì cá nhân người này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngược lại, CGV cũng có thể sẽ bị xem xét trách nhiệm liên đới nếu CGV không đưa ra quy định rõ ràng, cụ thể trong công tác bảo mật, giữ gìn thông tin cá nhân của khách hàng. Trong trường hợp này, CGV sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vì lắp camera nhưng giám sát, quản lý không tốt để nhân viên của rạp sử dụng hình ảnh từ camera tung lên mạng. Theo đó, CGV sẽ phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường nhân phẩm, thiệt hại cho khách hàng theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.