(GD&TĐ)-Đó là một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sôi nổi trong phiên thảo luận dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật diễn ra chiều nay (13/4).
Cán bộ công chức là đối tượng đặc thù để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bởi đây là nhóm thực thi pháp luật (ảnh MH) |
Báo cáo giải trình của Uỷ ban Pháp luật cho rằng mục tiêu lớn nhất của phổ biến, giáo dục pháp luật là làm cho đại bộ phận người dân có được kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một số đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc những người trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có những kiến thức pháp luật chuyên sâu và kỹ năng để thực hiện việc lồng ghép phổ biến giáo dục, pháp luật; những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, Ủy ban này đề nghị bổ sung đối tượng là ngư dân; cán bộ, công chức và viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Cơ bản đồng ý với các đối tượng đặc thù cần được phổ biến, giáo dục pháo luật như trong dự thảo, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không thể đưa cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân vào nhóm đối tượng đặc thù cần tuyên truyền. Lý do là khi đã vào đội ngũ này, bản thân các đối tượng đã được tôi luyện và có trình độ hiểu biết tương đối cao về pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu đề nghị quy định thêm những người có hoàn cảnh khó khăn không có cơ hội tiếp cận pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đề nghị giữ đối tượng này như trong dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội (11/2011). Bởi theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, trước hết, nhóm những đối tượng là chị em phụ nữ nằm trong nhóm đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung. Qua khảo sát, điều tra xã hội học cho thấy, họ là những người có trình độ hạn chế, yếu thế không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong gia đình. Vì vậy, họ cần cung cấp kiến thức để tự bảo vệ mình. “Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này được coi là một giải pháp hỗ trợ để bảo vệ chị em phụ nữ rất tốt” – Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cũng nhấn mạnh: dự thảo chọn đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang là đối tượng đặc thù để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bởi đây là nhóm thực thi pháp luật.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Hiền, vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng là một bài học cho thấy vấn đề am hiểu pháp luật tại cấp cơ sở vẫn còn những bất cập.
Do vậy, cần đưa cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vào đối tượng giáo dục pháp luật để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các tổ chức trong xã hội được tôn trọng, bảo đảm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với việc cán bộ, công chức, viên chức cần phải phổ biến giáo dục pháp luật vì đây là nhóm thực thi pháp luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần cân nhắc trong việc đưa nhóm này vào đối tượng đặc thù.
Cũng liên quan đến đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật, Uỷ ban Pháp luật đề nghị bỏ ra khỏi dự thảo nhóm đối tượng nạn nhân bạo lực gia đình và mua bán người.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, khảo sát cho thấy nhiều người trong số nhóm này có trình độ hạn chế, yếu thế trong xã hội và trong tổ ấm của mình.
Về quy định tuyên truyền viên là người có uy tín ở cở sở, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho rằng, việc đưa quy định này nhằm thu hút người có hiểu biết tham gia tuyên truyền pháp luật ở xã, phường hoặc thị trấn, tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học luật và có thời gian công tác 2 năm. Đây được xác định là lực lượng nòng cốt tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Còn báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm tới một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, về giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đây là một chủ trương được các đại biểu Quốc hội tán thành đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho bổ sung một số điều quy định riêng về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, giao Chính phủ tùy theo điều kiện của từng thời kỳ để có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các đối tượng tham gia công tác này.
Kết luận phiên thảo luận về Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra khẩn trương chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo để thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra vào thời gian tới.
Nguyễn Sơn