“Cây xương rồng” trên đỉnh Keo Lôm

GD&TĐ - Dáng người mảnh khảnh, hao gầy của cô giáo Hà được người ta ví như cây xương rồng vươn mình trên đỉnh Keo Lôm.

Từ năm 2010, cô Nguyễn Thị Hà được giao phụ trách đội tuyển học sinh giỏi Văn của nhà trường.                       Hơn 20 học sinh giỏi Văn các cấp là niềm tự hào của cô.
Từ năm 2010, cô Nguyễn Thị Hà được giao phụ trách đội tuyển học sinh giỏi Văn của nhà trường. Hơn 20 học sinh giỏi Văn các cấp là niềm tự hào của cô.

Chẳng thế mà, gần 20 năm rồi, cô vẫn kiên gan bám bản, “cõng” yêu thương dựng xây tương lai cho những đứa trẻ “khát” chữ… 

2 lần “chết hụt”

“Đã là giáo viên vùng cao, thì có lẽ ai cũng phải trải qua vài lần chết hụt. Tôi đã 2 lần như thế. Vượt qua được rồi, thì chẳng còn điều gì ngăn được hành trình gieo chữ của chúng tôi” – cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường PTDTBT THCS Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) từng tâm sự.

Trong kí ức, cô Hà vẫn nhớ như in 2 buổi chiều thu của năm 2007. Lần đầu, với hành trình ngược núi, để tới điểm bản nhận nhiệm vụ phổ cập. Xuất phát từ thành phố khi Mặt trời đứng bóng. Nhưng cơn mưa rừng bất chợt, khiến đoạn đường hơn 10km rẽ từ trung tâm xã lên điểm bản bỗng chốc nhão nhoét, trơn trượt.

Cô Hà tâm sự: “Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, thì tôi bị lừa. Người ta lợi dụng hoàn cảnh của tôi, đánh vào tâm lý khát khao được về gần nhà, gần chồng con, rồi bảo tôi đưa tiền xin chuyển công tác. Tôi tưởng thật nên đi vay mượn, gom góp tiền đưa cho họ. Rồi họ hứa hẹn vòng vo nhiều năm không thấy, tôi mới biết họ lừa đảo. Sau cú sốc đó, tôi bỏ hoàn toàn ý định về gần, và ổn định tư tưởng, yên tâm ở lại vùng cao”.  

Đất dính vào bánh xe đặc quánh, đi không nổi. Chốc chốc, dừng lại, cô Hà cùng bạn đồng hành dùng tay, cành cây rừng cào từng lớp đất để “giải phóng” bánh xe, rồi lại đi. Đôi tay vốn yếu ớt của cô giáo trẻ, sau nhiều giờ phải gồng, ghì cũng trở nên tê dại.

Trước con dốc cao, cua gấp, tay lái loạng choạng, cả người và xe rơi vào thế chông chênh. “Lúc ấy, xe chỉ còn 1 bánh bám mép bờ vực, người thì cũng đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết. Trời cứ tối sập dần, loay hoay mất vài chục phút, lúc nhìn thấy ánh đèn pin lia qua người, tôi suýt bật khóc. Nếu không có người dân, có lẽ chúng tôi chỉ biết phó mặc cho ông trời” - cô Hà tâm sự.

Lần thứ 2, cũng đi bản dạy phổ cập, nhưng là xuống núi. Ngoài chặng đường xuôi hơn 10km băng rừng, với dốc cao, vực sâu, điểm bản còn bị ngăn cách bởi con suối chừng vài chục mét. Vì là lần đầu chưa có kinh nghiệm, cô Hà liều mình lội qua suối mà không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào.

Ra gần giữa dòng, nước cao ngang ngực, cô Hà trượt chân bị nước cuốn trôi một đoạn. May mắn bám víu được vào đám cây lớn mọc gần bờ, cô lại chỉ biết đứng khóc. Vài chục phút sau, may mắn có thầy giáo tiểu học cũng đang trên đường vào bản bắt gặp, giúp cô vượt suối, hoàn thành hành trình.

Cô Hà bảo, mỗi lần hoảng sợ như thế cô chỉ biết gọi về cho bố. Những cuộc điện thoại chập chờn sóng, có cả nước mắt và sự sợ hãi… Chính bố là người đã động viên, tiếp sức để cô không chỉ vượt qua “giới hạn” của sức chịu đựng, mà vươn mình trở thành một Nhà giáo Ưu tú, đúng như ông kỳ vọng.

Những lứa học trò vùng cao “thoát ly” khỏi mảnh nương, ngọn núi để theo đuổi ước mơ là hạnh phúc lớn nhất đối với cô giáo Hà.
Những lứa học trò vùng cao “thoát ly” khỏi mảnh nương, ngọn núi để theo đuổi ước mơ là hạnh phúc lớn nhất đối với cô giáo Hà.

Lương không dành nuôi con

Cô Hà kể, vì được lớn lên trong một gia đình cả cha và mẹ đều công tác trong ngành Giáo dục, nên lí tưởng cao đẹp về nghề giáo được vun đắp, theo cô suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc năm 2003, cô Hà về nhận công tác tại Trường THCS Keo Lôm (nay là Trường PTDTBT THCS Keo Lôm). Cho đến nay đã tròn 18 năm.

Nhắc lại chuyện cũ, cô Hà khắc khoải: “Xã có 15 điểm bản, hầu như đều ngự trên những mỏm đồi cheo leo. Mình đến được bản để dạy đã thấy khó khăn lắm rồi. Nhưng khi chứng kiến cuộc sống của các em thì thương nhiều hơn. Toàn nhà tre, mái lợp ranh, bạt, bên trong thì đơn sơ, tuềnh toàng. Trẻ nhỏ không đủ quần áo để mặc, bữa ăn chỉ vỏn vẹn có cơm trắng chan nước đun sôi”.

Khi cái bụng chưa no, thì cho con đi học với họ là điều xa xỉ. Chính vì thế, để có học sinh, cô Hà đã phải cam kết với phụ huynh là sẽ lo sách vở đầy đủ cho con em họ. Từ cuốn vở viết, chiếc bút, thậm chí nhiều khi cả quần áo, dép, đồ ăn, thức uống…

Rồi ở trên những bản cao, gần như không có điện. Ngặt nỗi, người dân chỉ cho con đi học buổi tối, do ban ngày còn phải làm nương. Thế là, suốt nhiều năm, những lớp phổ cập của cô Hà chỉ diễn ra vào ban đêm.

“Để có ánh sáng cho bọn trẻ học, tháng nào tôi cũng phải mua dầu, mua nến. Mà lương ngày ấy thì thấp, ban đầu là 800 nghìn đồng, sau tăng lên hơn 1 triệu đồng. Mua sắm những thứ ấy rồi, làm gì còn tiền lo cho con” – cô Hà bộc bạch

Hai con của cô vì thế cũng chịu nhiều thiệt thòi. Cô Hà bảo, suốt nhiều năm ròng rã, chúng không chỉ thiếu tình thương của mẹ, mà còn phải sống trong cảnh khó khăn về kinh tế vì phụ thuộc hoàn toàn vào lương bố.

Chồng cũng là giáo viên, nhưng vì dạy ở trung tâm huyện nên lương của anh để dành cả cho con. Thế nhưng, tiền ăn, tiền học, thậm chí nhiều khi phải hỗ trợ thêm cho vợ để đổ xăng xe, nên nhiều lúc cũng phải vay mượn “giật gấu vá vai”.

Vùng cao Keo Lôm – nơi cô giáo Hà gắn bó gần 20 năm.
Vùng cao Keo Lôm – nơi cô giáo Hà gắn bó gần 20 năm. 

Học sinh “thoát ly” là thành công lớn nhất

Bước chân lên vùng cao dạy học khi tuổi mới hơn đôi mươi, mọi thứ cô Hà nhìn thấy về cơ sở vật chất chỉ vỏn vẹn là những mái nhà tranh, vách đất, khó khăn vô cùng. Không biết bao lần cô phải ứa nước mắt vì sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn kiến thức của học trò.

Khó khăn nhất khi giảng dạy THCS ở vùng cao là việc duy trì sĩ số học sinh, nhất là học sinh nữ. Bởi ở đây vẫn còn nặng tư tưởng là con gái thì không cần học nhiều. Cứ bỏ dở việc học, lập gia đình, rồi sinh con. “Các em lại rất dễ tổn thương, nên với những trường hợp như vậy không thể cứng nhắc được, mà phải dùng tình yêu thương và sự bao dung của mình để khuyên bảo” – cô Hà cho hay.

Cho đến giờ, cô học trò G. T. M. vẫn thường liên lạc và tâm sự với cô giáo Hà như một “người bạn lớn”. 5 năm trước, M. là học sinh lớp 9 do cô Hà chủ nhiệm. Do vướng vào chuyện tình yêu, M. nhất quyết đòi bỏ học để lấy chồng, nếu không sẽ tự tử. Bố mẹ em vì sợ nên không dám cấm cản.

Sau nhiều lần tìm đến nhà không gặp vì học sinh bỏ trốn, cô Hà đã thông qua bạn bè để nắm bắt diễn biến tâm lý, rồi hẹn gặp được em. “Vừa thấy tôi, em định bỏ chạy. Nhưng khi tôi bảo, cô đến đây không phải để bắt em đi học, thì em mới ngồi lại nghe tôi nói” – cô Hà nhớ lại.

Một phép so sánh được cô giáo Hà đặt ra, khiến M. phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Câu chuyện chân thực về cuộc sống của bố mẹ em, sớm tối quẩn quanh với mảnh nương bạc màu, cuộc sống nheo nhóc, thiếu trăm bề… Đúng là không thể đủ sức thuyết phục với viễn cảnh về nhiều điều mới lạ của cuộc sống phía trước, nếu tiếp tục theo đuổi con đường tri thức.

Giờ đây, cô học trò ngày nào đã trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, giờ nhìn lại, cô Hà nhiều lần mừng rơi nước mắt. Nghĩ về những lứa học trò ngày nào chỉ biết tiếng mẹ đẻ, nay không chỉ biết đọc, biết viết mà đã vươn xa khỏi mảnh nương, ngọn núi, để theo đuổi ước mơ trên con đường học vấn. Với cô, đó là thành công!

Thầy giáo Phạm Việt Anh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Keo Lôm: Cô Hà là giáo viên thực sự tâm huyết với nghề, có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Chính vì thế, nhà trường tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Tổ trưởng chuyên môn, Thư ký hội thi và hội đồng thi đua khen thưởng… Đồng thời, đây cũng là tấm gương để các giáo viên trong trường cùng thi đua, nỗ lực.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.