Cận cảnh cây sưa đỏ từng được định giá trăm tỉ ở chùa thôn Phụ Chính. Video: Thành Trung.
Có bán được trăm tỉ?
Chủ cơ sở kinh doanh gỗ sưa đỏ có xưởng sản xuất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho biết, giá gỗ sưa đỏ năm 2019 đã có nhiều thay đổi lớn so với những năm về trước đối với cả 2 loại gỗ sưa đỏ già và non.
Cây sưa đỏ trong chùa thôn Phụ Chính từng bị cưa trộm một nhánh. Ảnh: Thành Trung.
Trong đó, gỗ sưa cổ thụ lâu năm, có đường kính từ 50cm trở lên, cây gỗ dài và thẳng hoặc ván mặt từ 50cm trở lên là gỗ sưa loại 1, loại này rất hiếm với giá giao rộng từ 30-40 triệu động/1 kg.
Cây sưa đỏ ở chùa thôn Phụ Chính giờ cao khoảng hơn 4m, đường kính gốc cây khoảng 1m, cây đang có dấu hiệu mục thân. Ảnh: Thành Trung.
Với loại gỗ sưa đỏ của những cây lâu năm có đường kính từ 30-50cm có giá khoảng từ 15-30 triệu đồng/1 kg.
Loại gỗ sưa đỏ lâu năm có đường kính từ 20-30cm có giả khoảng 10-15 triệu đồng/1kg, loại có đường kính dưới 20cm có giá khoảng dưới 15 triệu đồng/1kg, loại gỗ vụn, cành và nhánh có đường kính dưới 10 cm có giá từ 2 – 10 triệu đồng/ 1kg.
Thân và cành lớn của cây sưa đỏ ở Bắc Ninh từng được bán với giá hơn 24 tỷ đồng. Ảnh: PV.
Với loại gỗ sưa đỏ non giá rẻ hơn nhiều. Giá các loại gỗ sưa đỏ làm đổ thủ công mỹ nghệ phụ thuộc vào vân gỗ, chất gỗ.
Cũng theo chủ cơ sở chuyên sản xuất gỗ sưa đỏ này, giá gỗ sưa thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, kể cả ở thời điểm gỗ sưa đỏ “hot” nhất, thì cây sưa ở chùa thôn Phụ Chính cũng không có giá lên tới 100 tỉ đồng.
Theo vị này, dựa vào tình hình thực tế hiện nay, cây sưa đang có dấu hiệu mục thân, việc xác định giá trị của cây càng khó hơn trước.
“Nhưng với cây đã mục thân, giá trị gỗ sẽ giảm đi nhiều, nếu gỗ chưa mục nhiều, thân gỗ còn tốt, cây sưa đó có thể bán cao nhất khoảng 60 tỉ đồng”, người này nói.
Liên quan tới giá trị cây sưa này, một người chuyên mua gỗ sưa đỏ ở làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh cho biết, giá gỗ sưa hiện nay đã giảm hơn 1 nửa so với thời điểm 2009 - 2010 do nhiều nguyên nhân.
Người này cũng cho biết đã từng tới xem cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính và cho rằng cây sưa này không thể có giá lên tới 100 tỉ đồng như lời đồn.
“Nếu gỗ còn tốt, và nếu mua tôi chắc chỉ trả tối đa khoảng 50 tỉ đồng”, người này ra giá.
Dân làng sắp chặt hạ cây sưa trăm tỉ
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính cho biết, sau khi cơ quan chức năng cho phép khai thác sử dụng 2 cây sưa quý trong chùa thôn, phía thôn cũng đã họp bàn với nhau và mong muốn khai thác càng sớm càng tốt, tránh tình trạng trộm gỗ rình rập và mối mọt xâm hại.
“Dự kiến ngày 20.12 âm lịch này (25.1), người dân sẽ khai thác 2 cây sưa quý. Phía thôn đã thuê thùng container, hàn lại chắc chắn tại sân nhà văn hóa thôn để bảo quản số gỗ sưa quý trên. Đợi ăn tết xong, cư dân sẽ thành lập ban đấu giá, công khai đấu giá số gỗ sưa quý này”, ông Tuyến cho hay.
Trước đó, tháng 10.2018, TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho thôn được bán 2 cây sưa quý này sau nhiều lần người dân đề đạt nguyện vọng.