Tha hồ câu cá bởi ao này thông qua ao kia; bèo tây nở dày đặc, phủ kín nên nước ao xanh trong bốn mùa. Có lần, tôi hỏi vì sao nhiều ao vậy thì ông ngoại cho hay rằng: Ngày xưa dân làng đào ao để nâng đắp đường, nâng cao nền nhà vì đây là vùng đất trũng. Tiện lợi đôi đường, vừa có nền nhà cao ráo, vừa có ao tắm mát giặt giũ và thả cá…
Tháng hè đi qua lúc nào mà không ai để ý. Tiếng ve vườn ngoại đã thưa dần. Lũ chào mào, chim sẻ chừng như bay vội vã hơn. Đám chuồn chuồn say nắng, ngẩn ngơ bay bên bờ rào tre đón gió. Gió se se mang hơi lạnh từ bờ sông đã về. Đất trời chớm thu rồi đấy. Nắng vàng trong veo và lá cây đã ngả sang sắc vàng; thầm gửi những tấm thiệp vàng về đất báo hiệu thu đã về đây cùng cây cỏ.
Từng chùm trái hồng bắt đầu ngả sang màu vàng nhạt dưới nắng thu vàng. Rồi một sáng gần giữa thu, ông ngoại cầm cây sào hái hồng xuống và để vào cái trác (một dụng cụ nhà nông, đan bằng nứa, dùng đựng nông sản). Những trái hồng vừa chín tới được rửa sạch và ông ngoại dùng gai bưởi đâm nhẹ vào quanh từng trái. Xong xuôi, ông đem ngâm tất cả vào chiến nồi lớn đựng nước nóng. Ông ngâm vài ba ngày cho hồng nhả ra hết nhựa chát. Xong, bà ngoại tiếp ông vớt ra, xếp từng trái gọn gàng trong rổ thưa, lót lá chuối khô và để lên giàn sau chái bếp.
Gió heo may se lạnh mỗi chiều càng làm cho hồng “lên đường” ngọt lịm. Vài ngày sau, hồng đã ráo và đã chín dậy mùi thơm đặc trưng. Bà lựa những trái hồng tròn, thơm dịu, bóng mướt đạt vào đĩa sứ, kính cẩn đặt lên bàn thờ cúng Tổ tiên. Còn lại, bà ngoại mang ra chợ bán. Khách mua nhiều bởi cây hồng nhà ngoại hồi đó ngon có tiếng, bởi giống hồng được ông tổ, ông sơ mang từ phương xa về.
Trước khi bán cho khách, bao giờ bà cũng chọn chục trái hồng ngon để dành cho đám cháu. Tôi gọt nhẹ vỏ trái hồng chín vàng đã nghe mùi thơm nức. Ăn một miếng hồng ngâm giữa trời thu quê sao mà thơm, mà ngọt đến thế? Phải chăng vị thơm, vị ngọt có từ tấm lòng thơm thảo của ông bà ngoại kính yêu?