Cây cầu điểm nóng

GD&TĐ - Ngày 18/7, Nga tổ chức một loạt vụ tập kích các thành phố Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa để trả đũa vụ tấn công cầu Crimea.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 18/7, cuộc xung đột tại Ukraine đột ngột nóng hơn khi Nga tổ chức một loạt vụ tập kích các thành phố Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa để trả đũa vụ tấn công cầu Crimea.

Đây là diễn biến mới nhất đánh dấu cuộc xung đột căng thẳng hơn do liên quan đến cây cầu huyết mạch trên bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

Một trong những thành phố chính của Ukraine bị tấn công đợt mới là thành phố cảng Odessa bên bờ Biển Đen.

Đô thị này bị tập kích bằng cả tên lửa lẫn máy bay không người lái khiến người dân địa phương phải đi tìm nơi trú ẩn.

Đợt oanh kích này diễn ra chỉ một ngày sau khi cây cầu Crimea bị hư hại trong một vụ nổ ngày 17/7 làm 2 người Nga thiệt mạng và một trẻ em bị thương. Vụ nổ đã phá hủy một đoạn cây cầu khiến giao thông qua lại bị gián đoạn.

Giới chức Nga cáo buộc phía Ukraine đã sử dụng hai chiếc xuồng không người lái chở thuốc nổ tấn công cây cầu và gọi đây là hành động khủng bố.

Giới chức Ukraine hiện tại chưa xác nhận đứng sau vụ tấn công cầu Crimea như phía Nga cáo buộc. Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên cây cầu huyết mạch này trở thành mục tiêu tấn công kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Trước đó vào ngày 8/10 năm ngoái, một chiếc xe tải chở gần 22,8 tấn thiết bị nổ được ngụy trang đã phát nổ khi đang đi qua cầu Crimea.

Vụ nổ lớn năm ngoái khiến 3 người Nga thiệt mạng, phá hủy 2 nhịp cầu đường bộ của cầu Crimea và một đoàn tàu chở hàng đang chạy trên đoạn đường sắt giữa cầu bị bốc cháy. Vụ tấn công này khiến cây cầu Crimea bị hư hại nặng nề và phải đến tháng 2 năm nay mới được khôi phục hoàn toàn lưu thông phần đường bộ, còn phần đường sắt phải đến tháng 5 mới có thể hoạt động bình thường trở lại.

Thời điểm đó, Nga cũng cáo buộc cơ quan an ninh Ukraine đứng sau vụ tấn công cầu Crimea nhưng giới chức Kiev phủ nhận. Nhưng tới ngày 8/7 vừa qua, lần đầu tiên Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar chính thức xác nhận nước đứng sau vụ nổ cầu Crimea hồi tháng 10 năm ngoái, nhằm làm gián đoạn hoạt động hậu cần phục vụ cuộc chiến của phía Nga.

Ngay sau lời xác nhận chính thức này chưa đầy 10 ngày, cây cầu Crimea lại bị tấn công lần thứ hai. Trong khi đó, Nga từng nhiều lần tuyên bố hành động tấn công vào cầu Crimea sẽ là “lằn ranh đỏ” để khởi đầu các hành động đáp trả dữ dội nhằm vào Ukraine.

Có nhiều lý do để Nga quyết liệt bảo vệ cây cầu Crimea, còn gọi là cầu Kerch, vì đây là tuyến huyết mạch kết nối trực tiếp bán đảo Crimea với mạng lưới giao thông của lục địa Nga.

Cầu Crimea có tổng chiều dài 19 km, chi phí đầu tư xây dựng khoảng 3,7 tỷ USD, mỗi ngày có lưu lượng qua lại của 40.000 lượt xe ô tô và 47 đôi tàu đường sắt. Nga khởi công cây cầu dài nhất châu Âu này vào năm 2015, chỉ một năm sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và hoàn thành vào năm 2019.

Nhờ cầu Crimea, hoạt động giao thông, du lịch cũng như việc vận chuyển nhiều tấn nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa giữa Nga và bán đảo Crimea không còn gặp khó khăn như đi bằng phà trước đây. Đây cũng là tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Với tính chất quan trọng của cây cầu cũng như mục tiêu dễ bị tấn công của nó, cây cầu Crimea luôn như một mồi lửa có thể thổi bùng cuộc xung đột hiện nay lên mức dữ dội hơn một khi nó bị phía Ukraine tấn công với bất cứ hình thức nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ