Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, tiền đạo người Đan Mạnh từ xuất phát điểm 2 triệu euro giờ đã bước vào nhóm những hợp đồng “bom tấn”.
Tham vọng của Quỷ đỏ
Vào ngày cuối cùng của tháng 7, truyền thông Anh và Italy đồng loạt đưa tin về việc Man Utd đã tìm được tiếng nói chung với Atalanta về số tiền chuyển nhượng Hojlund.
Quỷ đỏ nước Anh đồng ý bỏ ra 85 triệu euro, trong đó 75 triệu phí chuyển nhượng và 10 triệu tùy thuộc vào thành tích của cầu thủ 20 tuổi tại Old Trafford. Như vậy, Hojlund trở thành hợp đồng kỷ lục của Atalanta. Kỷ lục cũ thuộc về Cristian Romero, cầu thủ đến Tottenham mùa Hè năm 2021 với giá 50 triệu euro.
Bên cạnh đó, với việc đồng ý bán Hojlund, đội bóng nước Ý thu về số tiền lãi rất lớn. Mùa Hè năm ngoái, Atalanta chỉ bỏ ra 17,2 triệu euro để có được chữ ký của Hojlund từ Sturm Graz (Áo).
Như vậy, chỉ sau 1 năm, giá trị của tiền đạo người Đan Mạch đã tăng gấp 5 lần. Đặc biệt, vào đầu năm 2022, Hojlund gia nhập Sturm Graz từ Copenhagen với mức giá chỉ… 1,95 triệu euro. Tính đến thời điểm hiện tại, tiền đạo người Đan Mạch có giá chuyển nhượng tăng phi mã tới… 43 lần.
Mùa giải trước, trong màu áo Atalanta, Hojlund ghi 10 bàn thắng và đóng góp 4 kiến tạo sau 34 lần ra sân trên mọi đấu trường. Tiền đạo sinh năm 2003 chưa thực sự gây ấn tượng về chuyên môn, anh được coi không tương xứng với mức giá 85 triệu euro.
Ngoài ra, so với mục tiêu số 1 của Quỷ đỏ là tiền đạo Harry Kane, rõ ràng Hojlund còn kém xa về đẳng cấp cũng như bỏ ngỏ khả năng có hòa nhập được lối chơi ở giải Ngoại hạng Anh hay không?
Mặc dù vậy, Hojlund trẻ hơn Harry Kane tới 10 tuổi và anh hứa hẹn bùng nổ, trở thành biểu tượng mới trên hàng công Quỷ đỏ, giống như Erling Haaland của Man City. Hơn nữa, quyết định bỏ ra 85 triệu euro của Man Utd cho thấy, đội bóng này tiếp tục chiến lược thay máu lực lượng theo xu hướng trẻ hóa, đề cao tính đoàn kết và vai trò tập thể.
Với Hojlund, hàng công của nửa đỏ thành Manchester được định hình với những gương mặt đầy sức sống như Marcus Rashford (sinh năm 1997), Jadon Sancho (2000), Alejandro Garnacho (2004)…
Và năm thứ 2 dưới triều đại huấn luyện viên Erik ten Hag, Man Utd đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đội hình, đủ sức cạnh tranh chức vô địch Ngoại hạng Anh 2023 - 2024. Trước Hojlund, Quỷ đỏ đã chi 60 triệu bảng cho tiền vệ Mason Mount, người được xác định cùng với tân đội trưởng Bruno Fernandes mang đến sự sáng tạo, biến hóa trong lối chơi cho đội bóng.
Bên cạnh đó, với Andre Onana, đội bóng này sở hữu thủ môn có kỹ năng chơi chân cực tốt, đặc biệt khả năng chuyển trạng thái rất nhanh từ phòng thủ sang tấn công. Tiền vệ Sofyan Amrabat cũng đang trên lộ trình gia nhập Man Utd, để gia tăng “cơ bắp” và tính chiến đấu cho hàng tiền vệ.
Như vậy, Quỷ đỏ đang từng bước giải quyết triệt để những vấn đề trong lối chơi được nhận diện khá rõ ở mùa trước, chứ không chạy theo những hợp đồng phục vụ cho mục đích thương mại, hoặc viển vông theo cảm tính cá nhân của một vài yếu nhân trong bộ sậu lãnh đạo đội bóng này.
Rasmus Hojlund (bên phải) trong màu áo Atalanta. Ảnh: AFP. |
Sự biến ảo của hàng công
Mùa giải năm ngoái, Man Utd cán đích thứ 3 Ngoại hạng Anh chỉ với 58 bàn thắng, ít nhất trong 6 đội dẫn đầu bảng xếp hạng chung cuộc; ít hơn hẳn so với 94 bàn của Man City, 88 bàn của Arsenal, 75 bàn của Liverpool hay 72 bàn của Brighton.
Rõ ràng, sự ra đi của Ronaldo vào tháng 11/2022 đã để lại khoảng trống rất lớn trong lối chơi có phần đơn giản, thuần Anh của Man Utd. Những giải pháp mà Erik ten Hag đưa ra, như áp dụng sơ đồ 4 - 3 - 3 hoặc phương án nhân sự với cầu thủ trẻ Wout Weghorst, hay cựu binh Anthony Martial đều không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Man Utd công khai “ve vãn” Harry Kane của Tottenham, Victor Osimhen của Napoli và Randal Kolo Muani của Eintracht Frankfurt, song nửa đỏ thành Manchester không thành công.
Hojlund chỉ là phương án 2 của Quỷ đỏ sau khi họ thất bại với những siêu tiền đạo đã khẳng định được tài năng. Nhưng Hojlund là tiền đạo có tiềm năng vô cùng to lớn, được so sánh với Erling Haaland.
Sau 1 năm được trui rèn ở môi trường khắc nghiệt như Serie A, anh cho thấy sự toàn diện trong cách chơi, tốc độ và thể hình là ưu thế, rất giỏi về kỹ năng di chuyển không bóng và dứt điểm một chạm.
Kết thúc mùa giải 2022 - 2023, cùng Atalanta cán đích ở vị trí thứ 5 Serie A, Hojlund còn nằm trong nhóm 10 tiền đạo hay nhất giải về các chỉ số như xử lý bóng sống, số lần sút trúng khung thành hay số lần chạm bóng trong vòng 16m50. Đặc biệt, với đội tuyển quốc gia Đan Mạch, Hojlund đã ghi 6 bàn thắng, trong đó 5 bàn chỉ sau 2 trận đấu quốc tế hồi tháng 3/2023.
Hojlund tự tin cho biết: “Tôi có thể thấy mình và Erling Haaland có nhiều nét giống nhau trong cách chơi bóng. Cả hai đều thuận chân trái, là mẫu cầu thủ mạnh mẽ và có tốc độ”.
Những gì Hojlund thể hiện được Man Utd kỳ vọng sẽ tạo ra “Ruud van Nistelrooy phiên bản 2”, mẫu tiền đạo có khả năng ghi 25 - 30 bàn/mùa. Với tiền đạo trẻ người Đan Mạch, Erik ten Hag có điều kiện bố trí nhiều phương án tấn công, cũng như tạo ra sự linh hoạt về nhân sự.
Trong sơ đồ chiến thuật 4 - 3 - 3, Hojlund có thể đá trung phong, bên cạnh Rashford và Antony. Ở hàng tiền vệ, ten Hag có thể sử dụng đồng thời cả Mason Mount và Bruno Fernandes để tạo nên sức ép tấn công từ nhiều phía. Casemiro đảm đương vị trí tiền vệ trụ.
Nếu đá theo sơ đồ chiến thuật cổ điển 4 - 4 - 2, Rashford và Hojlund sẽ sát cánh trên hàng tiền đạo; 3 tiền vệ tấn công là Mason Mount, Bruno Fernandes và Christian Eriksen. Trong đó, Bruno Fernandes chơi ở vị trí số 10 nhưng cũng có thể trở thành tiền đạo thứ 3 để Man Utd chuyển sang sơ đồ chiến thuật 4 - 3 - 3 khi cần.
Theo sơ đồ 3 - 4 - 3 thịnh hành hiện nay, Hojlund vẫn sẽ là trung phong, được hỗ trợ bởi Rashford và Fernandes. Hai cầu thủ thích hợp nhất cho vị trí tiền vệ trung tâm là Mount và Casemiro, Garnacho bên trái và Sancho bên phải.
Giám đốc thể thao của Sturm Graz, ông Andreas Schicker khi được hỏi về Hojlund chia sẻ rằng: “Hojlund đã có bước tiến đáng kinh ngạc, khẳng định bản thân ở một giải đấu lớn. Khi theo dõi Hojlund, chúng tôi nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của cậu ấy. Tôi đặc biệt ấn tượng với tinh thần thép của một cậu thủ mới 18 tuổi”. Vậy nên, với Hojlund, Erik ten Hag giải quyết nhiều vấn đề ở hàng công Man Utd.
Man Utd chiêu mộ thành công Rasmus Hojlund vì mức lương hậu hĩnh trả tuyển thủ Đan Mạch. Theo Corriere della Sera (Italia), gia nhập đội bóng nước Anh, tiền đạo 20 tuổi sẽ nhận 5 triệu euro/năm, tương đương 4,3 triệu bảng/năm, 90 nghìn bảng/tuần.
Như vậy, Hojlund sẽ đứng thứ 10 trong danh sách cầu thủ hưởng lương cao nhất Quỷ đỏ mùa này. Tại Atalanta, tiền đạo 20 tuổi chỉ nhận lương 515 nghìn bảng/năm.