Câu lạc bộ khoa học trong trường học - điểm hẹn đam mê

GD&TĐ - Những năm qua, trường học đã tổ chức nhiều câu lạc bộ cho học sinh, trong đó có nghiên cứu khoa học. 

Thầy và trò Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai trong phòng thí nghiệm ngoài trời với mô hình trồng rau thủy canh. Ảnh: NTCC
Thầy và trò Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai trong phòng thí nghiệm ngoài trời với mô hình trồng rau thủy canh. Ảnh: NTCC

Tại đây, học sinh được rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng sống, giao tiếp.

Nở rộ câu lạc bộ khoa học

“Học sinh sau khi tốt nghiệp đã chia sẻ, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời gian được trải nghiệm ở câu lạc bộ. Nếu không có các câu lạc bộ, Trường Ams khó có thể hấp dẫn học sinh đến vậy. Nhà trường sẽ kế thừa truyền thống này, phát huy những gì đã có để xây dựng hướng phát triển hệ thống câu lạc bộ chuyên nghiệp hơn”, cô Dương chia sẻ”.

Nhận thấy lợi ích của giáo dục STEM và niềm đam mê nơi học sinh trong nghiên cứu khoa học, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức câu lạc bộ STEM cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tham gia câu lạc bộ, trò có cơ hội khám phá, trải nghiệm, học tập đi đôi với thực hành.

Cô Bạch Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - cho biết: Giáo dục STEM là phương pháp “Học qua hành” - “Learning by doing”. Vì thế, học sinh “thấm” kiến thức từ kinh nghiệm thực hành; hiểu sâu lý thuyết, nguyên lý thông qua hoạt động thực tế.

Sinh hoạt câu lạc bộ, các em được tự tay làm một số món đồ chơi và thí nghiệm gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Mỗi nhóm tiến hành thảo luận tìm tòi kiến thức, vận dụng kiến thức vào hoạt động thực hành, sau đó có thể truyền đạt lại cho bạn khác. Nhờ đó, nội dung bài học dễ dàng được tiếp thu, học sinh nhớ lâu hơn, sâu hơn. Nhiều sản phẩm khoa học sáng tạo, độc đáo và mang tính ứng dụng cao được nhà “khoa học nhí” thực hiện sau thời gian tham gia câu lạc bộ.

Thực hiện mục tiêu giáo dục “Học trải nghiệm sáng tạo - Sống trách nhiệm yêu thương”, Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thành lập nhiều câu lạc bộ sở thích cho học sinh, trong đó có câu lạc bộ STEM.

Tại câu lạc bộ STEM, học sinh được áp dụng kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể, trên cơ sở học thông qua thực hành và hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngay từ ngày đầu thành lập, câu lạc bộ STEM của nhà trường đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của học sinh.

Với sự nhiệt huyết, trình độ chuyên môn giỏi của các thầy cô Tổ Khoa học tự nhiên, câu lạc bộ STEM ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn của mình. Em Nguyễn Hoàng Long, học sinh lớp 7A, chia sẻ: “Em thường xuyên tham gia hoạt động của câu lạc bộ vì gặp bạn chung sở thích. Những kiến thức học được rất nhẹ nhàng nhưng lại hiệu quả nhờ có nhiều cơ hội thực hành”.

Cô Trịnh Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung - cho biết: Hoạt động STEM đã khơi dậy đam mê, hứng thú học tập và sự sáng tạo ở mỗi em; góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hình thành cho học sinh cách học tập hiệu quả, biết tự học tập và nghiên cứu khoa học. Câu lạc bộ STEM của nhà trường hứa hẹn nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn khác trong thời gian tới.

Nhóm học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) thử nghiệm mô hình Máy hút bụi xịt khuẩn đa năng. Ảnh: NTCC

Nhóm học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) thử nghiệm mô hình Máy hút bụi xịt khuẩn đa năng. Ảnh: NTCC

Xây dựng ý tưởng từ thực tế cuộc sống

Ngoài chú trọng giảng dạy kiến thức cho học sinh, các nhà trường đã và đang đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh và giáo viên. Các đề tài nghiên cứu đều lấy cảm hứng và dựa trên thực tế cuộc sống.

Cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình - cho biết: “Hàng năm, nhà trường đều phát động học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng và động viên trò chia sẻ những ý tưởng đang ấp ủ. Khi có ý tưởng, chúng tôi sẽ bố trí giáo viên hỗ trợ, tư vấn. Sau khi hoàn thành, nhà trường sẽ chọn các ý tưởng tốt nhất để tham gia cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp huyện”.

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B có 4 ý tưởng được chọn tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Bình gồm: Hệ thống hỗ trợ phòng chống Covid-19 (học sinh lớp 4); Máy sát khuẩn toàn thân; Mô hình ngôi nhà phòng chống thiên tai hiện đại (học sinh lớp 5); Máy hút bụi xịt khuẩn đa năng (học sinh lớp 1).

“Với học sinh tiểu học, đa phần chúng tôi khuyến khích, khơi dậy tinh thần, tư duy và tình yêu với nghiên cứu khoa học. Đơn cử, từ thực tế hai năm dịch Covid-19, cả nước có hàng nghìn ý tưởng hỗ trợ phòng, chống dịch được đưa ra và triển khai thực tế, mang lại hiệu quả. Đây là bài học thực tiễn dành cho học sinh và khích lệ các em chia sẻ ý tưởng khoa học của mình”, cô Trần Thị Hợi trao đổi.

Câu lạc bộ Thiên văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Vân Anh

Câu lạc bộ Thiên văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Vân Anh

Thông tin từ cô Lê Thị Mạnh Khương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn: “Tháng 3 hàng năm, nhà trường phát động cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường. Học sinh có đề tài sẽ bắt tay nghiên cứu và hoàn thành ý tưởng. Đến tháng 10, Ban giám hiệu tổ chức thi và lựa chọn các sản phẩm xuất sắc nhất tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh”.

Bên cạnh đó, nhằm kích thích cũng như tạo môi trường cho học sinh hiện thực hóa các ý tưởng, Trường THPT chuyên Chu Văn An đã thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong trường.

“Chủ nhiệm câu lạc bộ là giáo viên giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học nên có thể hỗ trợ, giúp đỡ các em từ khi ý tưởng còn manh nha đến lúc sản phẩm ra đời. Đồng thời, học sinh từng đoạt giải sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các thành viên câu lạc bộ trong quá trình thực hiện đề tài”, cô Khương chia sẻ.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học, vào buổi chiều hoặc ngoài giờ học chính khóa, nhà trường luôn mở cửa phòng thí nghiệm, phòng chức năng. Trong quá trình trò triển khai nghiên cứu đề tài, nhà trường liên hệ với chuyên gia từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế hỗ trợ các em. “Đặc biệt, các đề tài liên quan đến y tế, chúng tôi còn liên hệ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn để được đội ngũ y bác sĩ hỗ trợ, cố vấn thêm”, cô Khương nhấn mạnh.

Câu lạc bộ STEM Trường THCS Thanh Xuân Trung. Ảnh: Vân Anh

Câu lạc bộ STEM Trường THCS Thanh Xuân Trung. Ảnh: Vân Anh

Nơi đam mê được tỏa sáng

Không chỉ đạt được thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi và Olympic quốc tế, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam còn được biết đến là ngôi trường sở hữu nhiều câu lạc bộ sở thích nhất cả nước (hơn 50 câu lạc bộ ở các lĩnh vực), được tổ chức hiệu quả, bài bản, thu hút được đông đảo học sinh tham gia.

Cô Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho hay: Đa số học sinh đều tham gia một câu lạc bộ ngoại khóa phù hợp với năng khiếu của mình. Nếu yêu nghệ thuật, các em có thể tham gia câu lạc bộ âm nhạc, thời trang. Còn các câu lạc bộ STEM, Robot… trở thành điểm đến đầy hứa hẹn dành cho những em đam mê nghiên cứu khoa học.

Những câu lạc bộ năng khiếu này là môi trường phù hợp để học sinh rèn luyện năng lực chuyên môn. Ngoài có thêm chiều sâu về học thuật, các em còn có cơ hội thực hành thông qua hoạt động thú vị. Không ít kiến thức và thành tích đáng tự hào của học sinh Trường Ams được hình thành và tích lũy qua câu lạc bộ này.

Cụ thể, nhóm học sinh tham gia câu lạc bộ Robot (GreenAms 6520 Robotics) của trường đã đoạt giải Cuộc thi Robotics khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm đầu thành lập, câu lạc bộ có khoảng 20 thành viên, nhưng đến nay có hàng trăm học sinh đăng ký tham gia, khoảng 80 em trong số này được tuyển làm thành viên chính thức.

Nhà trường cũng dành riêng cho câu lạc bộ một phòng thí nghiệm rộng hơn 50m2 và cử 3 giáo viên nhiều kinh nghiệm, trong đó có một phó hiệu trưởng làm cố vấn. Nhà trường cũng tích cực kêu gọi các nhà tài trợ và phụ huynh giúp đỡ tài chính, trang thiết bị, dụng cụ và cả chuyên môn cho câu lạc bộ.

Với câu lạc bộ Thiên văn (Amstronomy), học sinh Nguyễn Mạnh Quân cũng giành Huy chương Vàng kỳ thi Vật lý Thiên văn quốc tế, đồng thời đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế, Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á. Niềm đam mê Vật lý và Thiên văn của Nguyễn Mạnh Quân cũng xuất phát từ những giờ học tại câu lạc bộ.

Tại Lào Cai, dự án “Ngân hàng máu di động” của nhóm học sinh Trần Phong và Trần Mỹ Chi, Trường THPT chuyên Lào Cai đoạt giải Ba tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022. Chia sẻ về thành tích này, nữ sinh Trần Mỹ Chi, lớp 12 chuyên Anh, thành viên nhóm, cho hay: “Phong trào nghiên cứu khoa học được trường chú trọng và đẩy mạnh. Từ khi học lớp 10, em cùng các bạn đã có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học cùng thầy cô. Bên cạnh đó, chứng kiến nhiều anh chị khóa trên giành giải thưởng lớn từ các cuộc thi nghiên cứu khoa học, chúng em càng có động lực để phấn đấu, rèn luyện”.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học, Mỹ Chi cho biết: “Nhà trường đã xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị, cử thầy cô có kinh nghiệm hỗ trợ và hướng dẫn học sinh. Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa, thầy cô linh hoạt thời gian giúp học sinh cân bằng giữa học trên lớp và làm khoa học”.

Nhờ sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình của thầy cô, nhà trường, Trần Phong và Trần Mỹ Chi đã hoàn thành đề tài và giành được kết quả như kỳ vọng. Đây là một trong số nhiều giải khoa học quốc tế học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai đạt được. Minh chứng điều này, thầy Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai - viện dẫn: Năm học 2020 - 20221 và 2021 - 2022, trường có hai dự án tham dự kỳ thi quốc tế và giành giải Ba.

“Có được thành tích trên, chúng tôi luôn đề cao và coi trọng nghiên cứu khoa học cho học sinh, giáo viên. Những giáo viên không tham gia giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi sẽ hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học, đó như hoạt động bắt buộc. Đối với giáo viên đang hỗ trợ học sinh nghiên cứu đề tài từ cấp tỉnh trở lên, nhà trường sẽ yêu cầu tổ chuyên môn giảm số tiết dạy để có thêm thời gian đồng hành với trò”, thầy Xuân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phong trào và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, ngoài cuộc thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, Trường THPT chuyên Lào Cai đã động viên thầy cô, học sinh tham gia các cuộc thi trong khu vực quốc tế như ở Ba Lan, Canada, Pháp. Các cuộc thi là sân chơi đa dạng cho học sinh học hỏi và cọ xát.

“Nhà trường đã trang bị phòng thí nghiệm ngoài trời có vườn sinh học với hệ thống tưới tự động, trồng cây thủy canh, điện năng lượng mặt trời...; tích hợp nhiều môn học trong phòng thí nghiệm cho học sinh trải nghiệm. Bên cạnh đó, phòng giáo dục STEM cũng được chú trọng, trong đó có phòng nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, hiện đã có sản phẩm bán ra thị trường”, thầy Xuân cho biết thêm.

“Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập và nghiên cứu, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, tạo sự đồng thuận, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho học sinh tham gia nghiên cứu các dự án”, cô Lê Thị Mạnh Khương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.

Tường thuật xổ số miền bắc siêu nhanh