Cậu học trò Ơ Đu giàu nghị lực

GD&TĐ - Lô Văn Anh là đại diện duy nhất của dân tộc Ơ Đu - một trong số các dân tộc thiểu số rất ít người, tham dự Lễ tuyên dương 166 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc 2018, được tổ chức tại Hà Nội mới đây.  

Nam sinh Lô Văn Anh và cô giáo chủ nhiệm Minh Hạnh trong giờ Tin học
Nam sinh Lô Văn Anh và cô giáo chủ nhiệm Minh Hạnh trong giờ Tin học

Thành tích nổi trội

Lô Văn Anh (SN 1999) đang là SV năm thứ nhất Trường CĐ Nghề Việt - Đức (TP Vinh, Nghệ An), là người Ơ Đu – dân tộc rất ít người, với chỉ hơn 400 nhân khẩu, phân bố duy nhất tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Năm Văn Anh lên 5, em cùng gia đình và dân bản phải di dời để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ. Nơi ở mới không thuận tiện, gia đình em di chuyển nhiều nơi, trước khi định cư tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.

Văn Anh nhớ lại cuộc sống tái định cư của gia đình những năm đầu tiên rất vất vả, khó khăn trăm bề. “Nhưng may mắn là bố mẹ em có tư tưởng tiến bộ, coi trọng việc học hành của con. Sau khi học hết THCS Thanh Chương, em thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú số 1 của tỉnh và xuống thành phố Vinh học tiếp”, Lô Văn Anh tâm sự.

Rời bản xuống phố, Văn Anh cùng các bạn học được rèn luyện trong môi trường nội trú. Điều đó giúp ích cho em rất lớn trong việc hình thành ý thức tự giác, chủ động và nhất là khả năng sinh hoạt và học tập trong môi trường tập thể. Tại trường, Lô Văn Anh không chỉ là HS người Ơ Đu duy nhất, mà còn là một trong những HS có thành tích học tập tốt nhất khóa học. Lớp 12, em có nguyện vọng thi vào trường quân đội, nhưng không đủ tiêu chuẩn về chiều cao.

Sau khi được tư vấn của các thầy cô và cân nhắc điều kiện gia đình, Văn Anh quyết định theo học CĐ nghề. Dù đã xác định rõ hướng đi của mình, em vẫn nỗ lực ôn tập để có kết quả tốt nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia. Nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng: Tổ hợp môn khối C đạt 22 điểm chưa cộng ưu tiên. Với nỗ lực và thành tích học tập đó, Lô Văn Anh vinh dự là đại diện của tộc người Ơ Đu dự Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số năm 2018.

Muốn tự lập

Nói về kỷ niệm lần đầu tiên được ra Hà Nội dự lễ tuyên dương, Lô Văn Anh cho biết: “Ở nhà, bố mẹ và mọi người trong bản cũng xem tivi thấy, ai cũng chúc mừng em. Tại lễ tuyên dương, em cũng được gặp gỡ nhiều bạn, nhiều anh chị các dân tộc khắp cả nước có thành tích xuất sắc, em rất khâm phục mọi người. Em cũng tự hứa là sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện để sau này có công việc, tự lập được cuộc sống của mình và giúp bố mẹ”.

Lô Văn Anh bày tỏ mong muốn với sự nỗ lực của mình, sẽ có nhiều người biết đến tộc người Ơ Đu. “Trước kia, dân tộc của em có văn hóa đặc sắc, có tiếng nói riêng, trang phục riêng, tết riêng nhưng giờ đã mai một rất nhiều. Đời sống khó khăn nên nhiều người lo làm ăn, không quan tâm đến việc học. Nhưng nếu có quyết tâm, cố gắng thì người Ơ Đu cũng có thể đạt được những thành tích như đồng bào các dân tộc thiểu số khác” - Lô Văn Anh tâm sự. 

Chia sẻ về quyết định theo học nghề (dù với kết quả thi THPT quốc gia, Văn Anh có thể đăng ký vào rất nhiều trường ĐH có tên tuổi), em cho biết: “Em không chắc mình sẽ xin việc như thế nào sau khi học xong ĐH, còn học nghề thì dễ dàng hơn, quan trọng là mình chọn học ngành gì. Em cũng hỏi han, tìm hiểu mãi trước khi quyết định chọn ngành Công nghệ ô tô. Có tay nghề vững, em có thể xin được việc làm ở một nhà máy, xưởng ô tô nào đó, hoặc có thể về quê mở gara sửa chữa xe cơ giới. Lĩnh vực này ở quê em còn rất hiếm, nên cũng không đáng lo lắm”.

Với mục tiêu như thế, Lô Văn Anh đang tiếp tục cố gắng học tập, thực hành tại trường. Sau 3 năm THPT học nội trú, quãng thời gian đầu làm sinh viên, tự lo cuộc sống của mình không dễ dàng, nhưng em vẫn giữ được thói quen, giờ giấc sinh hoạt điều độ. Nam sinh chia sẻ: “Là người dân tộc thiểu số, em được Nhà nước hỗ trợ học phí và trợ cấp cho đi học. Bố mẹ cũng nói sẽ cố gắng không để cho em thiếu thốn khi đi học, nhưng em vẫn muốn kiếm việc làm thêm để tự lập. Hơn nữa mỗi ngày chỉ phải học một buổi, ngồi không rất lãng phí thời gian”.

Chia sẻ về SV của mình, cô Đinh Thị Minh Hạnh, chủ nhiệm lớp K4 - Công nghệ ô tô, Trường CĐ Nghề Việt - Đức cho biết: “Văn Anh rất hiền lành, chịu khó và ham học hỏi nên thầy cô và bạn bè ai cũng quý. Hơn nữa, nhà trường luôn quan tâm đến những HS, SV là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu có cơ hội học việc, thực tập ở doanh nghiệp thì thầy cô cũng ưu tiên giới thiệu để các em vừa học, vừa hành, và có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ