Niềm ước mong có đôi chân lành lặn và ước nguyện trên thế gian này không ai phải khổ đau như bà, mẹ của mình… đã được Nguyễn Sỹ Hoàng Anh - Trường THCS Quảng Đông (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) gửi gắm trong bức thư gửi tới tương lai. Và bức thư này đã đoạt giải tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53.
Lá thư chắp cánh ước mơ
Hoàng Anh là anh cả trong gia đình có hai anh em ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa. Năm 2012, cậu bé chào đời trong niềm hân hoan của gia đình, song gần 2 tuổi, Hoàng Anh vẫn chưa biết đi, trong khi cậu em song sinh đã đi đứng, di chuyển thành thạo.
Hoàng Anh được gia đình đưa đi khám bệnh và bác sĩ đã chẩn đoán em bị u tủy sống gây chèn ép các dây thần kinh khiến đôi chân mất cảm giác. Thay vì đến trường bằng đôi chân như bạn bè cùng trang lứa thì Hoàng Anh phải ngồi trên lưng mẹ.
Ngày 2 lần, Hoàng Anh được mẹ chở đến trường, rồi cõng vào lớp học. Nghe tiếng các bạn vui đùa trong giờ ra chơi, cậu học trò chỉ ngước nhìn qua cánh cửa lớp học. “Những lúc như vậy, em chỉ khao khát có đôi chân lành lặn để được chơi đùa cùng các bạn”, nam sinh bộc bạch.
Không thể đi lại bình thường, Hoàng Anh tìm niềm vui qua những trang sách. Cậu đặc biệt hào hứng với cuộc thi viết thư quốc tế UPU, và đã nhiều lần tham gia sân chơi này. Hoàng Anh chia sẻ, viết thư quốc tế UPU cũng là một cách để gửi gắm tâm sự của mình, đồng thời lan tỏa đến mọi người những câu chuyện đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn về cuộc sống.
Trong lá thư gửi đến Ban giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53, Hoàng Anh viết: “Dù bạn là ai, cách xa tôi bao nhiêu thế hệ, thì tôi vẫn hy vọng thế giới mà bạn được kế thừa trong tương lai là thế giới hòa bình, nhiều yêu thương, ấm no và hạnh phúc... Thế giới tôi đang sống, là thế giới của những câu chuyện cổ tích được viết ra từ gia đình, làng quê nghèo có thật. Bà tôi, tuổi 70 lưng còng còm cõi, nước mắt đầm đìa, hằn sâu. Mẹ tôi, 35 tuổi khuôn mặt rạng ngời, đôi dòng lệ cạn khô, không còn chảy nữa…”.
Cậu học trò hiểu nỗi đau của bà, của mẹ khi chứng kiến mỗi ngày Hoàng Anh lớn lên không lành lặn. Trong bức thư, cậu bé còn chia sẻ, đôi chân bị tê liệt hoàn toàn và không thể di chuyển được, sáng nào thức dậy, bản thân cũng chỉ biết loay hoay, xoay mình, vận động. Từ trên giường xuống đất, rồi nhích dần, nhích dần, chầm chậm, bò đến nhà vệ sinh, tự đánh răng rửa mặt, bò vào phòng ngủ tự mặc quần áo, rồi lại bò ra bàn ăn, lên bàn sách, đợi mẹ trước cửa nhà để chở đi học. Chẳng những vận động khó khăn, trái gió trở trời, cơ thể lại nhói đau hoặc quặn thắt cơn đau kéo dài, dữ dội.
Thế nhưng, động lực để cậu bé vượt lên suốt 12 năm qua chính là sự sẻ chia, giúp đỡ, đồng hành từ ông bà, bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Hoàng Anh còn lấy tấm gương Nick Vujicic - người đàn ông không tay, không chân có nghị lực phi thường đã vượt lên nghịch cảnh trở thành một diễn giả tài ba, truyền cảm hứng trên khắp thế giới.
Điều ước cậu bé gửi tới tương lai chính là có một đôi chân thần kỳ, không còn tật nguyền dị dạng. “Tiến bộ trong công nghệ, y học sẽ giúp tôi bước đi trên khắp hành tinh như bạn...”, Hoàng Anh kỳ vọng. “Khi Ban tổ chức thông báo đạt giải, cảm xúc trong em như vỡ òa. Để hoàn thành bài dự thi lần này, em đã viết đi viết lại rất nhiều lần, với sự hỗ trợ tận tình từ các thầy, cô”, nam sinh bộc bạch.
Hoàng Anh và đại diện nhà trường dự Lễ tổng kết và trao giải quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53. |
Nuôi ước mơ trở thành luật sư
Trong các môn học, Nguyễn Sỹ Hoàng Anh đặc biệt yêu thích Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. “Nếu Ngữ văn mang lại cho em nguồn cảm hứng để viết nên những tác phẩm đầy sức sáng tạo, thì Lịch sử giúp em hiểu rõ về cội nguồn dân tộc, các cuộc chiến đấu anh dũng, quật cường của cha ông ta. Từ đó, em được hun đúc lòng quyết tâm phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc. Còn môn Khoa học tự nhiên lại giúp chúng ta vận dụng tư duy để chế tạo ra những dụng cụ thiết thực phục vụ cuộc sống”, Hoàng Anh hồ hởi chia sẻ.
Nói về ước mơ của mình, Hoàng Anh cho biết em rất yêu thích ngành luật nên sẽ nỗ lực cố gắng để trở thành luật sư trong tương lai.
Thầy Phạm Tiến Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Đông nhận xét, Hoàng Anh là một học sinh ngoan, chăm chỉ, luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Đây cũng là lần đầu tiên, nhà trường có học sinh đạt giải tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Em cũng là một trong 12 học sinh tiêu biểu của cả nước giành giải dành cho học sinh khuyết tật của cuộc thi năm nay.
“Là giáo viên trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn em tham gia viết thư quốc tế UPU, tôi cảm nhận sự nỗ lực quyết tâm của Hoàng Anh. Kết quả đạt được tại cuộc thi chính là tập hợp sức mạnh trí tuệ tập thể của thầy trò nhà trường”, thầy Hùng bày tỏ niềm vui.
Theo thầy Hùng, khi tiếp nhận một học sinh bị khuyết tật vận động như Hoàng Anh, nhà trường đã bố trí phòng học ở tầng 1 để tạo kiều kiện thuận tiện cho gia đình em trong việc đưa đón. Bên cạnh đó, để động viên, khích lệ Hoàng Anh, nhà trường cũng miễn giảm các khoản đóng góp. Trong thời gian học tập ở trường, Ban Giám hiệu bố trí giáo viên thường xuyên quan tâm, hỗ trợ em trong việc học và đi lại.
“Dù bị khuyết tật vận động, song Hoàng Anh rất nỗ lực vươn lên trong học tập. Đặc biệt, kết quả đạt được tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 đã giúp em thay đổi rất nhiều, nhất là giúp em tăng sự hoạt bát, tự tin và cởi mở hơn trong cuộc sống”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Đông cho biết.
Trong bức thư, Hoàng Anh còn gửi gắm một ước mơ đầy xúc động: “Trên khắp thế gian này, không còn ai phải khổ đau và bất hạnh như bà, như mẹ của tôi…”.