Thành tích ngỡ ngàng của cậu học trò nghèo

GD&TĐ - Đạt điểm thi SAT 1.520/1.600 với điểm Toán tuyệt đối 800/800, Nguyễn Quốc Cường trước đó còn tự học và đạt IELTS 7.5 điểm.

Nguyễn Quốc Cường, học sinh lớp 12A1, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Quốc Cường, học sinh lớp 12A1, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An.

Cậu học trò người Thái đã làm nên kỳ tích và truyền cảm hứng mới cho ngôi trường dân tộc nội trú Nghệ An.

Đạt điểm SAT trong tốp 1% cao nhất thế giới

Nguyễn Quốc Cường (học sinh lớp 12A1) là học sinh đầu tiên của Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An thi SAT đạt 1.520 điểm/1.600 điểm. Riêng điểm Toán, Cường đạt tuyệt đối với 800/800 điểm.

Việc lựa chọn thi SAT cũng là “điều lạ” ở ngôi trường dân tộc nội trú, vì lâu nay, học sinh chủ yếu tập trung cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường đại học yêu thích. Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Em mong muốn tìm kiếm cơ hội nhận học bổng du học, thay vì chỉ vào học một trường đại học trong nước. Đây là điều em ấp ủ từ khi mới vào lớp 10, và chuẩn bị cho mình vốn kiến thức nhiều môn học cũng như ngoại ngữ. Việc lựa chọn thi SAT cũng do em tìm hiểu có nhiều trường đại học quốc tế sử dụng kết quả này để xét tuyển”.

Tuy nhiên, nam sinh cho hay mình thực sự tập trung ôn thi SAT từ năm lớp 12 chỉ trong vòng 3 tháng. Cấu trúc đề thi (bằng tiếng Anh) gồm 3 phần: Đọc hiểu, Toán và Ngôn ngữ. Kiến thức trải rộng nhưng mức độ không quá khó và em đã được học kỹ trong chương trình phổ thông ở trường. Với môn Toán, qua tìm hiểu đề các năm trước, có một số câu tư duy mà nếu thí sinh không đọc kỹ đề, rất dễ bị đánh lừa và trả lời sai. Bên cạnh đó, phần ngôn ngữ không chỉ phải đọc kỹ các từ khóa, mà còn các câu hỏi, dấu hai chấm, gạch ngang để nắm chính xác yêu cầu đề.

Kết quả lần đầu tiên đến với kỳ thi SAT, Nguyễn Quốc Cường đã tạo nên kỳ tích không chỉ cho bản thân mà cho cả ngôi trường THPT Dân tộc nội trú em đang theo học. Với 1.520/1.600 điểm, Cường thuộc diện 6% thí sinh có điểm cao nhất Việt Nam trong gần 6.000 bạn tham gia và là 1% thí sinh có điểm cao nhất thế giới trong số 5,5 triệu thí sinh dự thi trong đợt thi năm nay.

Quốc Cường và cô giáo chủ nhiệm.

Quốc Cường và cô giáo chủ nhiệm.

Ôn thi chứng chỉ IELTS kiểu “nội trú”

Để có được thành công trong kỳ thi SAT, Nguyễn Quốc Cường đã trang bị cho mình nền tảng tiếng Anh khá tốt từ trước đó. Cậu học trò người Thái đến từ xã Châu Kim, huyện Quế Phong chia sẻ em bắt đầu biết đến tiếng Anh từ năm lớp 3, mỗi tuần từ 1 - 2 tiết và rất thích môn học này. Nhưng đến giữa lớp 4 thì môn này bị gián đoạn do “trường làng” không có giáo viên tiếng Anh nữa. Cậu sau đó chỉ có thể nghe tiếng Anh bập bõm trên tivi có ăng ten chảo khi bắt được một số kênh chiếu phim hoạt hình nước ngoài.

Lên lớp 6, Cường được chọn vào Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong, từ đây việc học tiếng Anh của em mới được nối lại. Vốn liếng của em khi đó chỉ là cuốn English Grammar In Use được em “cày nát sách” để học ngữ pháp. Cùng với sự hướng dẫn của giáo viên, sự chăm chỉ và đam mê Cường ngày càng tiến bộ, đạt học sinh giỏi trường môn tiếng Anh. Lên lớp 9, em đạt giải Nhì cấp huyện, được chọn đi thi HSG tỉnh. Nhưng do dịch Covid-19 nên kỳ thi năm đó bị hoãn lại, Cường không có cơ hội để dự thi. Đổi lại, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, em đạt 9,4 điểm môn tiếng Anh, cao nhất Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An.

Trong 3 năm THPT, em đặt mục tiêu cao hơn ở kỳ thi chọn HSG tỉnh và thi lấy chứng chỉ IELTS. Nhưng môi trường dân tộc nội trú nơi em theo học có đặc thù so với trường THPT bình thường khác, với nội quy rất nghiêm ngặt. Vì vậy, Cường không có điều kiện để rèn luyện, học tiếng Anh trên Internet thường xuyên. Thay vào đó, trước hết em đã học ngoại ngữ theo cách truyền thống, làm bài tập trên giấy để tạo nền tảng cơ bản vững chắc.

Cường cũng xác định điểm yếu của mình là ở kỹ năng nói và viết do không có điều kiện giao tiếp nhiều hoặc học thêm ở trung tâm. Để luyện các bài nghe trong các đề thi IELTS, Cường tranh thủ những giờ học Tin hoặc vào máy tính ở thư viện để tải tài liệu audio về máy nghe nhạc cá nhân, nghe đi nghe lại nhiều lần. Về kỹ năng viết, em thường tự làm các bài luận và nhờ anh chị khóa trên đang học đại học và ôn IELTS chấm lại cho mình. Những khi không hiểu em sẽ hỏi thêm cô giáo dạy tiếng Anh ở trường.

Thực hiện đề án tăng cường tiếng Anh, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cũng xây dựng phòng học hiện đại, mời một số giáo viên nước ngoài về dạy cho học sinh. Đó cũng là cơ hội để Cường giao tiếp, nghe nói tiếng Anh tự tin hơn.

Đến học kỳ II của lớp 11, Cường đăng ký thi IELTS. Với cách ôn đặc biệt của học trò dân tộc nội trú, ngay lần thi đầu tiên em đã đạt 7.5 điểm. Trong đó điểm nghe và đọc đều đạt tối đa 9.0.

Truyền nguồn cảm hứng mới

Đến cuối năm lớp 12, cậu học trò người Thái đã có trong tay bảng thành tích đáng mơ ước. Ngoài điểm thi SAT và IELTS, Nguyễn Quốc Cường còn đạt giải Nhì HSG tỉnh môn tiếng Anh; Huy chương Bạc Olympic Tin học miền Trung và Tây Nguyên. Cường cũng tham gia kỳ thi TOEFLITP CHALLENGE 2022 - 2023 và đạt giải Nhất toàn tỉnh, được chọn học sinh duy nhất của tỉnh Nghệ An tham dự vòng chung kết toàn quốc.

Đó cũng là hành trang để Nguyễn Quốc Cường săn học bổng ở các trường đại học quốc tế phù hợp với điều kiện bản thân. Đến tháng 4 vừa qua, em là học sinh đầu tiên của trường nhận được học bổng 80% vào Trường Đại học VinUniversity ngành Cử nhân Khoa học máy tính.

“Em chọn Khoa học máy tính vì nghĩ rằng ngành này ở hiện tại và tương lai sẽ ngày càng phát triển. Em muốn, đem sự hiểu biết về máy tính của mình để lan tỏa, giúp đỡ mọi người, cải thiện cộng đồng. Cũng như em, một học sinh dân tộc thiểu số, nhờ được đến trường, có sự giúp đỡ, dìu dắt của thầy cô nhiều năm liên tục mới có được kiến thức, sự tự tin. Được tạo điều kiện và cơ hội tham gia các cuộc thi để có cơ hội thuận lợi hơn cho tương lai”, Cường nói. Hiện tại, mục tiêu của Nguyễn Quốc Cường là ôn tập và đạt điểm cao tại Kỳ thi Tốt nghiệp THPT.

Cô Trương Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cho biết: Nguyễn Quốc Cường thông minh, có năng khiếu ngoại ngữ nhưng chưa bao giờ chủ quan và ngừng cố gắng. Học sinh của trường hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, vất vả, ở xa gia đình đi học. Vì vậy, nhà trường như ngôi nhà thứ 2, chú trọng giáo dục toàn diện học sinh, quản lý nền nếp, rèn kỹ năng tự học, tự chủ cho các em. Đồng thời tạo điều kiện để phát huy thế mạnh riêng của từng học sinh.

Với Quốc Cường, em được ưu tiên có nhiều thời gian hơn để sử dụng máy tính, vào mạng Internet ôn thi. Em đã truyền cảm hứng cho các bạn khác, cho học sinh dân tộc thiểu số nói chung có thể vươn cao, vươn xa ở lĩnh vực lâu nay bị “đóng đinh” là hạn chế như tiếng Anh, Tin học….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: INT

Bảo vệ danh dự, uy tín người thầy

GD&TĐ - Theo luật sư, không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật...

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.