Câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long

Câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long

(GD&TĐ) - Dân gian ĐBSCL có nhiều câu đố khá thú vị, mang tính chất vùng miền rất rõ. Người đồng bằng tự hào với những sản vật địa phương, mô tả hiện tượng thiên nhiên ở vùng sông nước với một góc nhìn hết sức độc đáo. Đặc biệt hiện tượng đố láy từ và đố tục giảng thanh là phần khá đặc sắc mà những vùng miền khác hiếm khi có. 

Đặc sản miền sông nước

Đây là câu đố thai vừa khoe vùng đất địa linh nhân kiệt Gò Công, vừa nói về một sản vật.

Mình rồng, đuôi phụng le te

Mùa Đông ấp trứng, mùa Hè nở con

Gò Công là đất rồng cuộn, phụng xòe. Nhưng ở đây, người ta đố về quày cau. Mùa Đông cau có bông, mùa Hè mới có trái.

Người Bến Tre có câu đố về đặc sản quê mình khá hiểm hóc:

Giữa lừng trời có vũng  nước trong

Cá lòng tong lội không tới.

Đó là trái dừa.

Người tứ giác Long Xuyên, có sản phẩm cà-ràng Xà-Tóong nổi tiếng cả vùng. Đó là loại bếp lò nấu củi làm bằng đất nung. Nhà nào có loại cà-ràng này thì thuộc loại khá giả. Người An Giang có câu đố:

Con gái má đỏ hồng hồng

Khi đi lấy chồng lại bỏ quê cha

Đến khi tuổi tác về già

Quê chồng lại bỏ, quê cha lại về

Cà-ràng Xà-Tóong vốn làm bằng chất liệu đất, sau đó được nung thành gốm đỏ mới trở thành sản phẩm đem đi bán. Lúc nó cũ, hư nát, người ta vứt bỏ ngoài miểu Thổ Thần, cạnh bờ tre. Một thời gian sau, nó biến thành đất. Dường như người ta gởi vào đó một triết lý sống.

Người Đồng Tháp Mười có câu đố:

Suôn đuồn đuột, trong ruột có mắc. Đó chính là cây cỏ năng, chỉ riêng có ở Đồng Tháp Mười. Thông qua đó người ta cũng muốn nhắc “chớ xem mặt mà bắt hình dong”.

Dân Ngũ Hiệp, Tiền Giang, nơi có nhiều trái cây đặc sản ra câu đố mang nặng nỗi lòng, như tâm sự Thúy Kiều:

Một mình âm ỉ canh chầy

Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh.

Đó chính là trái sầu riêng.

Nếu đồng bằng sông Hồng có đặc sản: tương, cà, dưa, muối thì ĐBSCL có đặc sản: khô, mắm.

Người Nam Bộ đố bạn bè vùng miền khác: Mình cá, đầu cá, đuôi cá. Cấm nói con cá! Bạn phải đáp rằng: con khô, hoặc con mắm vậy!

Rất nhiều câu đố liên quan đến sông nước mênh mang:

Tròn tròn như lá tía tô

Đi biển, đi hồ đầu ướt, đuôi khô.

Đó chính là cái dầm hoặc chèo để bơi xuồng.

Tròn tròn như lá tía tô

Đi biển đi hồ nó cũng đi theo (Mặt trời, mặt trăng)

Hoặc thú vị hơn với câu:

Cây khô mọc rễ trên đầu

Sông sâu chẳng sợ, sợ cây cầu bắc ngang.

Đó là chiếc thuyền buồm của thế kỷ 19 ở đồng bằng Nam bộ. Bạn trẻ ngày nay khó mà hình dung ra.

Mình rồng, đuôi phụng le te, Mùa Đông ấp trứng, mùa Hè nở con
Mình rồng, đuôi phụng le te, Mùa Đông ấp trứng, mùa Hè nở con

Đố láy từ

Ghe bầu chìm tại biển Đông

Cái mui nó mất, cái công nó còn.

Thực ra câu đố này vừa sát nghĩa vừa đố láy từ. Khi con còng chết thì cái mai nó thối rữa còn cái chân nó lâu hư hơn. Cái chân con còng nó giống giống cái công ghe xuồng. Nhưng nếu tinh ý láy từ “công còn” sẽ ra con còng.

Anh về Châu Đốc, Nam Vang

Cho xin nhắn lại, em khoan lấy chồng!

Có thể đây là lời nhắn nhủ người yêu của anh chàng họ “Sở” nào đó, đang giương buồm… truy phong. Nhưng người đố không muốn giải mã theo hướng đó mà đáp rằng “nhắn lại” là con nhái lặn. Mà con nhái lặn cũng không biết đâu mà tìm.

Vật gì đem cúng ngày rằm

Tụng kinh lầm thầm,

búng cánh bay lên.

Từ thai là “búng cánh” láy lại là bánh cúng: loại bánh quấn lá chuối hình trụ, đổ bằng bột gạo vào hấp. Thường cúng vào ngày rằm.

May không chút nữa thì lầm

Cau dầy không bẻ, bẻ nhằm cau ranh.

Dĩ nhiên người đố sẽ giải là canh rau. Như ẩn sau câu đố láy ấy là một lời trách móc rất khéo léo.

Một mình âm ỉ canh chầy Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh
Một mình âm ỉ canh chầy / Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh

Đố tục giảng thanh

Cùng là yếu tố thanh-tục như thơ Hồ Xuân Hương, nhưng ở thơ của Bà Chúa thơ Nôm thì tả cái thanh để liên tưởng đến cái tục, còn câu đố Nam Bộ, ngôn ngữ khá tục nhưng phải giải nghĩa thanh.

Đố tục mà giảng ra thanh

Cái miệng chào anh, hai tay bợ đít….

Người ta tả cảnh ông sui nhà trai đi qua nhà gái rước dâu. Miệng chào anh sui, nhưng hai tay bợ đít…. khay trầu rượu.

Bằng bắp tay, nhét ngay

kẹt háng.

Đó là trái bắp đính trên cây bắp (ngô).

Má ơi nó bẻ cẳng con rồi

Nó lật lưng con lại, tuột quần con ra!

Trong Nam Bộ có loại bánh ích (có người cho rằng do bánh ếch gọi trại ra) gói bằng bột nếp, nhân đậu xanh hoặc dừa. Bánh được gói bằng lá chuối có 2 nếp co vào như chân con ếch. Muốn ăn thì phải làm động tác như câu đố nêu trên.

Trên lông, dưới lông, tối lại nằm chồng. Đôi mi mắt.

Tròn tròn, dẹp dẹp, đập cái bẹp, ra nước. Đập trái dừa khô.

Từ những câu đố tục giảng thanh, người đồng bằng muốn gởi một thông điệp đến mọi người, đến thế hệ mai sau: mọi sự vật, hiện tượng có thể có góc nhìn khác nhau, nhưng chúng ta phải hướng tới sự thanh cao. Trong thanh cao vẫn còn đó những yếu tố tục.

Câu đố Nam Bộ tuy mộc mạc nhưng ý tứ rất sâu xa. Sở dĩ người đồng bằng có những góc nhìn lạ lẫm với những sự vật, hiện tượng gần gũi với mình, bởi họ luôn có một tình yêu mãnh liệt về nó. Từ cách nhìn lạ lẫm ấy, bật lên một triết lý nhân sinh không kém phần uyên bác!

 PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ