Gọi là hệ thống vì có 3 trường trung học được gọi là trung học kiểu mẫu: một ở Sài Gòn trực thuộc trường ĐHSP – Viện Đại học Sài Gòn và một Trường Trung học kiểu mẫu thuộc ĐHSP Huế và 1 ở Cần Thơ.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng kể: “Sau này, khi đến một vài nước phát triển, tôi mới được biết mô hình trường thực hành có ở nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới. Nó giống như bệnh viện đối với trường y.
Điều đó cho thấy cần phải có các trường thực hành trong hệ thống giáo dục phổ thông. Đáng tiếc, sau 1985, các trường thực hành sư phạm biến mất khỏi hệ thống các trường sư phạm phía Nam, và mới chỉ được lập lại sau những năm 90 của thế kỉ trước.
Cho đến hiện nay, nhiều trường sư phạm đã có trường thực hành nhưng chúng ta chưa có hệ thống trường thực hành – đó là điều mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được”.
Trong khi đó, ở CHLB Đức có rất nhiều kiểu trường như trường thực hành sư phạm ở Việt Nam. Tất cả sinh viên đều có thể đến đăng kí thực tập ở các trường thực hành.
Giáo viên trường thực hành thường được mời giảng phương pháp dạy học chuyên ngành hoặc báo cáo kinh nghiệm về các hoạt động của giáo viên trong các nhà trường phổ thông.
Thực tập của giáo sinh sư phạm ở Đức và Việt Nam
Sinh viên trong các trường sư phạm Việt Nam việc thực tập ít hơn nhiều lần với sinh viên được đào tạo để làm giáo viên ở CHLB Đức.
Nhận định này được PGS Nguyễn Kim Hồng rút ra sau khi mô tả các hoạt động thực tập của các giáo viên tương lai tại nước Đức.
“Mô hình đào tạo giáo viên tại Potsdam theo môn hình truyền thống của Đông Đức, đó là đào tạo kiến thức lí thuyết gắn với thực hành.
Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên đã được đến trường phổ thông. Để có thể thành thạo nghề nghiệp, có tình yêu với nghề nghiệp, sinh viên cần đóng vai trò là người giáo viên ngay từ những học kì đầu tiên (trong trường hợp sinh viên không thấy nghề dạy học là nghề phù hợp với họ thì họ có thể bỏ ngang)” – PGS Nguyễn Kim Hồng cho hay.
ĐH Potsdam (Đức) và 4 kỳ thực tập
Lấy ví dụ cụ thể từ ĐH Potsdam (Đức), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh cho biết: sinh viên tại đây phải trải qua 5 kì thực tập. Theo đó, ở giai đoạn cử nhân gồm 4 kì:
Kỳ thứ nhất là thực tập định hướng: Được thực hiện từ học kì II - thời gian của đợt thực tập định hướng là 3 tuần (công việc chính của sinh viên trong đợt thực tập này là dự giờ). Đợt thực tập này cũng có thể được tổ chức theo 2 mô hình: riêng biệt và tích hợp.
Thực tập riêng biệt được diễn ra ngay sau khi hết học kì thứ nhất, sinh viên có 2 tuần dự giờ và 1 tuần đánh giá, phân tích các giờ dạy (mô hình này dành cho đào tạo giáo viên trung học I và giáo viên trung học II). Ưu điểm của thời gian thực tập riêng biệt là sau khi kết thúc 1 học kì, sinh viên tập trung vào giải quyết một vấn đề giáo dục phức hợp.
Hình thức thực tập tích hợp ngay trong học kì I: mô hình này kéo dài suốt học kì I và mô hình này thường dành cho đào tạo giáo viên tiểu học. Mỗi tuần sinh viên sẽ có một buổi thực tập tại trường tiểu học. Ưu điểm của mô hình này là hàng tuần sinh viên đều được trải nghiệm thực tiễn tại trường tiểu học.
Các năng lực được hình thành trong đợt thực tập này mà nhà trường hướng tới là năng lực quan sát. Sinh viên quan sát giờ học với tư cách họ là nhà sư phạm, từ quan sát này họ có thể soi rọi vào bản thân. Mỗi sinh viên có thể chọn cho mình một trọng tâm quan sát.
Chẳng hạn, sinh viên tập trung quan sát xem giáo viên mở bài, giải quyết các tình huống sư phạm…). Mỗi quan sát đều được sinh viên ghi chép lại sau đó giải thích bằng kiến thức lí luận được học. Mục tiêu của thực tập là phát triển tâm lí nghề nghiệp cho SV.
Kỳ thứ 2 là thực hành sư phạm–tâm lý học: Đợt thực tập này có thể tổ chức trong các kì từ học kì 3 đến học kì 5, với thời gian là 3 tuần/học kì. Trong thời gian này, sinh viên chưa dạy nhưng phải tiến hành một hoạt động sư phạm; chẳng hạn như lãnh đạo một nhóm hoạt động môi trường/âm nhạc, hoặc đến nhà học sinh để thực hiện công tác giáo dục, hỗ trợ học sinh giải quyết các bài tập về nhà. Sản phẩm cuối mỗi đợt thực hành là báo cáo thực tập và một bài trình bày.
Đợt thực tập này thường được tổ chức trong các học kì cuối của khóa học Bachelor. Mỗi tuần trong học kì này, sinh viên sẽ xuống trường phổ thông 1 ngày. Sinh viên được chia thành nhóm với mỗi nhóm gồm 3 sinh viên, khi 1 sinh viên dạy thì 2 sinh viên còn lại dự giờ cùng giáo viên hướng dẫn, sau đó sẽ tiến hành đánh giá và rút kinh nghiệm.
Năng lực trọng tâm được hình thành trong giai đoạn này là phát triển năng lực dạy học và đó là năng lực nghề nghiệp.
Cuối cùng, các kỳ thực tập trong giai đoạn Master (2 kì): Thực tập chẩn đoán tâm lý và thực tập giảng dạy tại trường phổ thông.
Thực tập chẩn đoán tâm lý thường được tổ chức trong học kì đầu của giai đoạn Master, thời gian thực tập là 1 tuần. Trước khi đi thực tập, sinh viên được huấn luyện để đặt các câu hỏi, quan sát hóc inh và phân tích các kết quả để đưa ra các chuẩn đoán tâm lí cho học sinh.
Công việc của sinh viên trong đợt thực tập này không chỉ là dự giờ mà còn tiếp xúc với học sinh ngoài giờ học để có thể hiểu về tâm lí học sinh. Năng lực trọng tâm hướng đến trong đợt thực tập này là năng lực quan sát học sinh, năng lực sử dụng các câu hỏi và trao đổi để chuẩn đoán được tâm lí của học sinh.
Đợt thực tập giảng dạy tại trường phổ thông được tổ chức trong kì 3 của giai đoạn Master, thời gian thực tập là 14 tuần. Trong đợt thực tập này, sinh viên sẽ dự giờ, thực hiện các giờ dạy với sự chỉ đạo của giáo viên hướng dẫn là giảng viên đại học và cuối cùng là tự thực hiện các giờ dạy.
Mỗi sinh viên phải dạy 30 giờ cho mỗi bộ môn (60 giờ cho 2 môn) và sinh viên phải trình bày hồ sơ mô tả về tiến trình thực tập. Năng lực trọng tâm được hướng tới là tập luyện một cách phức hợp 5 lĩnh vực năng lực của giáo viên.
Có thể thấy thấy sinh viên trong các trường sư phạm Việt Nam việc thực tập ít hơn nhiều lần với sinh viên được đào tạo để làm giáo viên ở CHLB Đức". PGS Nguyễn Kim Hồng