Câu chuyện về làng Trinh Tiết

Câu chuyện về làng Trinh Tiết

(GD&TĐ) - Những con đường “Trinh tiết” hôm nay đã được bê tông hóa gần hết nhưng câu chuyện về những người phụ nữ ở làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ) một mực thủ tiết “thờ chồng, nuôi con” vẫn được người đời nhắc tới như một “bài ca” đẹp của làng quê quanh năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.

Cổng làng Trinh Tiết
Cổng làng Trinh Tiết

Nơi “đất lành chim đậu”

Tên làng đi vào lòng người và thực sự gây ấn tượng mạnh dù với ai chỉ một lần ghé qua hay đi ngang đường nhìn thấy cổng làng với năm chữ “làng văn hóa Trinh Tiết” và hai hàng câu đối. Xưa kia làng có tên gọi Bối Lang, sau đổi tên thành làng Sêu. Tên làng Trinh Tiết có từ thời Lý, tồn tại đến bây giờ, được chính thức dùng trong các văn bản hành chính. Làng Trinh Tiết từ xưa đã nổi tiếng với hình ảnh những người con gái dịu hiền, nết na, xinh đẹp, đảm đang; nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm; nổi tiếng về đức tính thờ chồng nuôi con của người con gái. Có một tập tục khá thú vị được đề ra ở đây: Con gái trong làng trước khi đi lấy chồng nơi khác phải góp gạch xây đường làng.

Trước đây, làng còn nằm trong vùng chiêm trũng, đường đi lầy lội. Mùa mưa, dân làng đi lại trên những cây cầu “chân chó” cực kỳ vất vả. Trong làng có huy động mọi người đóng góp sửa đường nhưng không thành công. Từ thực tế đó mà gia đình nào có con gái đi lấy chồng nơi khác đều phải góp gạch xây đường làng. Người đi trước làm gương cho thế hệ sau, nhờ đó mà bộ mặt của làng dần được thay đổi, đường làng ngõ xóm được lát gạch, khô ráo và sạch sẽ. Đến những năm 40 của thế kỉ XX thì tập tục này không còn nữa nhưng con gái trong làng vẫn giữ được nét thuần phong mỹ tục của làng quê mình.

Tương truyền, phụ thân của Thành Hoàng làng là người xứ Thanh Hóa, đi ngao du khắp nơi để hành nghề “tướng địa” và khám phá những vùng đất mới. Khi đi qua vùng đất này đã gặp mẹ Thành Hoàng vốn xưa nay nức tiếng về vẻ đẹp trời phú. Ông đem lòng si mê. Hai người trở thành vợ chồng, chung sống hòa thuận, hạnh phúc rồi sinh Thành Hoàng. Khi bố Thành Hoàng mất, cảnh mẹ góa con côi, khó khăn trăm bề nhưng mẹ Thành Hoàng vẫn một mực ở vậy thờ chồng, làm thuê, làm mướn nuôi con khôn lớn. Dân làng cảm phục và noi gương bà. Về sau, ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng và hết mực yêu thương con. 

Thương mẹ, từ nhỏ Thành Hoàng đã biết đỡ đần mẹ nhiều công việc rồi xin Phú ông cho mình đi chăn trâu. Trong quá trình đi chăn trâu, Thành Hoàng thường xuyên rủ chúng bạn tập đánh trận giả với bông lau, cành cây… làm ngọn cờ. Qua mỗi trận đánh giả ấy, tài thao binh, khiển tướng của Thành Hoàng được bộc lộ. Nước nhà có binh biến, được Vua trọng dụng, ông đã giúp vua đánh giặc, bảo vệ đất nước và trở thành tướng của Triệu Quang Phục. Tuổi già, ông lui về quê, chọn mảnh đất đầu làng để thờ cha mẹ và sống cuộc đời tao nhã. Khi ông qua đời, để đền đáp công ơn của ông, dân làng đã chôn cất ông ở gò đất đó và lập đền thờ tôn ông là Thành Hoàng làng. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng nơi đây đã dừng thuyền và lên bờ thăm thú. Cảm động trước tấm lòng son sắt, thủy chung của người phụ nữ nơi đây, Vua đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.

Phía sau cổng làng Trinh Tiết ngày nay vẫn còn lưu lại tên làng cũ – làng Sêu, như nhắc nhở mỗi người dân khi ra khỏi làng phải luôn mang theo niềm tự hào của người dân quê mình để mãi giữ được nét văn hóa đó như câu đối trên cổng làng: “Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa còn lưu mãi – Trinh tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thưở, phải là đây”.

Những con đường Trinh Tiết còn lại ở làng
Những con đường Trinh Tiết còn lại ở làng

Những người muôn năm cũ

Ông Chuân năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi. Kể về những câu chuyện xưa, ông cười: “Tôi cũng chỉ là người nghe kể lại, nhưng những câu chuyện ấy khiến tôi luôn thấy tự hào về người con gái quê mình. Giới trẻ bây giờ sống vội lắm nhưng con gái làng Trinh Tiết thì vẫn giữ được nét đẹp mà bao đời nay các Cụ ta để lại. Nếu có chuyện “ăn cơm trước kẻng” thì cũng phải có sự dạm hỏi cưới trước”. Gia đình ông Chuân cũng có hai bà cô đi lấy chồng làng bên và góp gạch xây đường làng. Chiến tranh, nhiều người phụ nữ trong làng mới chỉ được làm vợ vài ngày và không có con nhưng họ vẫn ở vậy cùng con cháu. Có thể kể ra hoàng loạt tên trung trinh: Bùi Thị Tít, Lê Thị Vân, Bùi Thị Dung, Lê Thị Phấn…

Hiện nay, làng Trinh Tiết vẫn giữ lại một số con đường được đóng góp bởi những viên gạch mà các cô gái trong làng ngày trước đi lấy chồng nơi khác góp và dựng nên. Những con đường ấy cổ kính, rêu phong giữa những con đường được trải bê tông, giữa những ngôi nhà ngói đỏ, nhà cao tầng nhưng vẫn có sức sống bền bỉ. 

Nói về vấn đề bảo tồn những con đường Trinh Tiết, ông Bùi Chí Dũng, trưởng thôn Trinh Tiết cho biết: “Hiện tại, một phần những con đường gạch ở làng Trinh Tiết sau khi được đào lên để thay bằng đường bê tông hay cán nhựa đã được Bảo tàng Dân tộc học xin về, dựng một con đường trong khuôn viên Bảo tàng, tương tự như đường làng Trinh Tiết xưa. Những con đường còn lại ở làng đã được dựng nên cách đây hàng trăm năm, nhiều chỗ gạch đã vỡ vụn nên việc trùng tu lại cũng rất tốn kém. Nhưng đây cũng là vấn đề mà chính quyền và người dân địa phương hướng tới”.

Chia tay làng Trinh Tiết, chia tay những con đường lát gạch, những con đường minh chứng cho tấm lòng son sắt của người phụ nữ nơi đây, hai câu đối ở cổng làng: “Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa còn lưu mãi – Trinh tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thưở, phải là đây” vẫn như đọng lại trong tôi để cùng suy nghĩ về lối sống vội của thanh niên bây giờ.

Nguyễn Huệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.