Dưới đây là chia sẻ của nữ nhà văn.
Để quyền lợi của trẻ gắn bó với nhau
Thực ra để bọn nhỏ yêu thương nhau, đoàn kết, gắn bó với nhau không khó. Nhưng có những tiểu tiết lại rất dễ bị không ít cha mẹ bỏ qua. Đó là cách giao tiếp, xưng hô, thể hiện tình cảm với các con hàng ngày.
Ngoại trừ lúc nói chuyện riêng về các vấn đề mang tính riêng tư thì tôi thường xuyên xưng hô mẹ - bọn con/ hai đứa/ Ri Boi/ hai chị em. Ví dụ:
Hai đứa thấy sao?
Ri Boi sắp xong chưa?
Bọn con nghĩ thế nào?
Hai chị em đang làm gì đấy?
Ri Boi có ý tưởng gì mới không?
Hôm nay hai chị em làm những gì?
Hai đứa thấy món này vị thế nào? Có ngon không?
Rồi lần lượt lắng nghe ý kiến của từng đứa. Không để 1 trong 2 không có cơ hội được bày tỏ quan điểm.
Khi hai chị em đang ở cùng một phòng, mẹ đang nói chuyện với Boi còn Ri đang vẽ. Kết thúc câu chuyện với Boi mà muốn nói mẹ yêu con thì cũng vẫn luôn luôn nói “Mẹ yêu hai chị em lắm!”, “Mẹ yêu Ri Boi”. Vì dù Ri có không tham gia vào cuộc trò chuyện nhưng con bé vẫn lắng nghe.
Hoặc khi một trong hai đứa muốn đi chơi ở đâu đó, bày tỏ mong muốn với mẹ, ngay lập tức mẹ sẽ hỏi:
Em Boi thì sao? Con hỏi ý kiến em Boi chưa?
Con hỏi xem chị Ri có thích đi tới đó không?
Nếu 1 trong 2 không thích thì mẹ lại nói:
Vậy con thuyết phục em Boi đi.
Vậy, con thuyết phục chị Ri đi.
Trong trường hợp không thể thống nhất địa điểm thì phương án cuối cùng là oẳn tù tì. Bọn trẻ luôn rất hài lòng với kết quả của trò oẳn tù tì vì dù có thua, chúng cũng chấp nhận xem như là may rủi. Chứ không liên quan đến sự bất công bằng trong cách đối xử của cha mẹ.
Một ngày đẹp trời nọ Ri muốn đi chơi nhưng Boi lại đang ốm, con bé nói với mẹ: Mẹ ơi, hôm nay là đến ngày hẹn đi công viên nước rồi nhưng em Boi lại đang ốm. Đợi em ấy khỏe lại rồi đi sau vậy mẹ ạ.
Con bé hiểu sâu sắc rằng quyền lợi của em gắn bó mật thiết với quyền lợi của mình. Em mà tốt lên thì mình cũng sẽ tốt. Với trẻ, hiểu được như vậy đã là rất tuyệt.
Hay khi chuẩn bị ra ngoài đạp xe nhưng đồ chơi vẫn ngổn ngang trong phòng. Mẹ bảo: “Khi nào 2 chị em dọn đồ chơi xong thì mình đi ra công viên nhé. Nếu tối mới dọn xong thì tối đi. Mà 1 trong 2 không dọn thì mình ở nhà nhé”.
Vậy là hai chị em không ai dám lười dọn, chị thấy em dọn chậm thì dọn giúp, em thấy chị dọn chậm thì lại cố gắng làm nhanh hơn. Chúng bắt đầu hình thành tư duy làm việc nhóm. Và lờ mờ nhận ra kết quả của người kia có ảnh hưởng tới mình. Hai chị em là một đội, phải giúp nhau tốt lên.
Thành tựu mới đây nhất của tinh thần làm việc nhóm là khi Boi có thể sáng tác truyện và trình bày ý tưởng với chị còn chị thì vẽ tranh minh họa cho câu chuyện đó. Trong bất cứ việc gì, 2 chị em đều bàn bạc với nhau và thống nhất đưa ra giải pháp rồi cùng nhau bắt tay vào làm.
Chúng hiểu nhau hơn cả bố mẹ hiểu chúng. Đúng theo kiểu tâm đầu ý hợp. Boi trình bày với mẹ cả tiếng có khi mẹ chả hiểu gì, nhưng chỉ cần mở lời nói với chị vài câu. Là chị “À, ý Boi là thế này đúng không/ Đúng rồi/ Xong sau đó thế này hả/ Đúng rồi/ Chị thấy hay đấy/ Hay mà, em nghĩ ra đấy. Hài hước không?/ Ha ha buồn cười quá. Để chị làm cho. Đầu tiên, Boi phải thế này, xong sau đó thế này...”.
Nhà văn Lê Thanh Ngân. |
Cần lắng nghe ý kiến của nhau
Hồi về bà ngoại, bà ngạc nhiên khi thấy 2 đứa chỉ có một cái bảng với 2 cái bút mà có thể ngồi vẽ và bàn bạc với nhau từ sáng đến chiều. Nói không ngớt mồm. Chốc chốc lại cười phá lên vô cùng hào hứng.
Hàng xóm nhà bà ngoại cũng thắc mắc “Ủa con nhà này hay nhỉ. Sao bọn nó cứ rủ rỉ với nhau cả ngày mà không thấy cãi nhau nhỉ?”.
Thực ra là có cãi nhau rất hăng khi bất đồng quan điểm đó nhưng bởi vì thói quen cần lắng nghe ý kiến của nhau đã ngấm vào máu nên dù có bực vẫn cố kiềm lại để nghe nốt người kia nói gì. Cuối cùng vẫn tìm được cách giải quyết. Dù có ghét cũng chỉ ghét được một chốc một lát là lại cần đến nhau rồi.
Chỉ bằng những hành động nhỏ thôi như cách xưng hô, cách nói chuyện, cách đặt vấn đề với các con nhưng khi làm liên tục, nhiều ngày tháng trôi qua, bọn trẻ mặc định rằng hai chị em chính là gia đình của nhau. Chúng luôn luôn có nhau, gắn kết với nhau và quan trọng hơn cả là được bố mẹ yêu thương, tôn trọng, lắng nghe như nhau.
Khi trái tim tích trữ đủ sự an tâm, bọn chúng sẽ không ganh tị với nhau nữa mà chuyển sang trạng thái chia sẻ. Chúng thản nhiên khi chứng kiến những cử chỉ âu yếm của mẹ với em hoặc mẹ với chị mà không có lấy một chút chạnh lòng. Chúng nhớ nhau khi phải xa cách. Luôn luôn nghĩ tới nhau, mua quà cho nhau, xí phần cho nhau khi đi chơi mà không có nhau. Cùng hợp sức bảo vệ lý lẽ của nhau, đòi lại công bằng cho nhau khi thấy bố mẹ làm điều gì đó không phải với 1 trong 2 chị em chúng.
Thế nên, nếu các bố mẹ muốn các con mình đoàn kết, hãy điều chỉnh hành vi và cách trò chuyện của chính mình. Đừng chỉ dừng lại ở vài lời nhắc nhở thoảng qua như “Phải nhường nhau chứ. Phải yêu thương nhau chứ. Không được đánh nhau”. Bởi, chúng chẳng quan tâm tới mấy lời đó đâu.
Chúng chỉ tin nhất vào những thứ chúng mắt thấy tai nghe diễn ra hàng ngày thôi. Nói thì đơn giản nhưng làm thì lại cần rất nhiều sự tinh tế. Trong cách ứng xử với các con hàng ngày thì tiểu tiết luôn luôn rất quan trọng.
Bọn trẻ có năng lực quan sát và cảm nhận vô cùng nhạy bén. Bố mẹ cứ nói một đằng nhưng làm lại một nẻo thì mãi mãi con cái không bao giờ có thể nghe theo một cách tâm phục khẩu phục đâu. Dù có bị ép buộc nghe theo thì điều đó cũng không xuất phát tự nhiên từ trong tâm thức của chúng.