Ngày 15/9, tại một tòa chung cư ở khu vực Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc), một tờ giấy viết bản kiểm điểm được dán ở cửa thang máy thu hút sự chú ý của mọi người.
Bản kiểm điểm dán ở thang máy chung cư.
Hóa ra, một cậu bé 9 tuổi nghịch ngợm đã ấn đồng loạt các tầng thang máy. Sau khi người mẹ phát hiện, vì muốn con nhận thức sai lầm nên đã yêu cầu con viết bản kiểm điểm.
Sau đó, người mẹ dán bản kiểm điểm của con ở cửa thang máy để gửi lời xin lỗi đến tất cả hàng xóm trong tòa chung cư.
Nội dung bản kiểm điểm của cậu bé như sau: "Khi đi thang máy, cháu đã xem thang máy thành trò chơi của mình. Cháu đã ấn đồng loạt các tầng từ tầng 4, 5, 6 cho đến tầng 31, 32.
Hành động của cháu thật là trẻ con và ngỗ nghịch. Rõ ràng chỉ cần ấn tầng 4 thôi, nhưng cháu đã ấn nhiều tầng như thế, cháu thật là hư. Nếu thời gian quay trở lại, cháu nhất định chỉ ấn tầng 4 thôi.
Lần này cháu đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, nếu mọi người không hài lòng có thể đến tìm cháu. Cháu sẽ chân thành xin lỗi mọi người".
Cuối bảng kiểm điểm, cậu bé có ghi rõ họ tên và địa chỉ nhà của mình.
Sau khi đọc bảng kiểm điểm của cậu bé nghịch ngợm, những người hàng xóm ở tòa chung cư đã bày tỏ sự thấu hiểu và thông cảm đến cậu bé. Có người viết lời khen tặng trên bảng kiểm điểm của cậu bé: "Cháu rất đáng yêu, cháu đã dũng cảm đối diện với sai lầm và chấp nhận sửa đổi", "Đúng là một cậu bé có trách nhiệm, rất đáng khen".
Hàng xóm của cậu bé đều tỏ ra vui mừng khi cậu bé biết sai và sửa, đồng thời tán thành cách răn dạy con của phụ huynh.
Chị Đặng, một hàng xóm của bé cho biết: "Khi trẻ hành động sai trái, thay vì đánh mắng hay bao che sai lầm của con, cha mẹ thông minh sẽ hành xử đúng đắn và hướng con khắc phục sai lầm. Bảng kiểm điểm của cậu bé 9 tuổi rất thú vị, cách dạy dỗ của cha mẹ cậu bé thật đáng khen ngợi".
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng phụ huynh bắt trẻ viết bảng kiểm điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Chị Lưu, mẹ của cậu bé 9 tuổi chia sẻ: "Một số trẻ cảm thấy việc ấn nút các tầng thang máy là một trò chơi thú vị. Khi con trai còn nhỏ, bé đã từng làm điều này 1 lần.
Bây giờ, con đã 9 tuổi, mặc dù biết sai nhưng vẫn làm là quá ngỗ nghịch. Tôi đã phê bình giúp con nhận ra sai lầm, đồng thời yêu cầu con viết bảng kiểm điểm để mọi người giám sát. Tôi không ngờ là con nhận được sự thấu hiểu và cổ vũ của mọi người xung quanh".
Khi nhìn thấy lời khen ngợi của hàng xóm, chị Lưu đã truyền đạt đến con trai và cho cậu bé biết rằng dũng cảm nhận sai lầm không phải là chuyện mất mặt.
Cách hành xử và giáo dục của cha mẹ chính là "vốn liếng" của con sau này. Và nhiều trường hợp đã được chia sẻ thông qua mạng xã hội
Trên một tàu điện ngầm, có một đứa trẻ đang ngủ say và được mẹ ôm trong lòng. Vì sợ giày của đứa trẻ sẽ đá vào hành khách ngồi bên cạnh, nên người mẹ đã cẩn thận dùng tay giữ bàn chân của con.
Hành động tinh tế của người mẹ đã ghi điểm tuyệt đối khi được mọi người chia sẻ, điều này chứng tỏ người mẹ đã nghĩ đến người xung quanh và cố gắng không ảnh hưởng đến người bên cạnh.
Dân mạng đồn đoán, được nuôi dạy bởi một người mẹ tế nhị thì đứa trẻ sau này sẽ rất hiểu chuyện.
Trường hợp khác, một đứa trẻ do bị bệnh nên đã nôn ngay trên tàu điện ngầm. Người bố không trách mắng con, mà ông lập tức đứng dậy xin lỗi các hành khách cùng chuyến tàu. Sau đó, người bố đã rút ra khăn giấy và lau sạch bãi nôn của con trên sàn.
Hành động của người bố đã lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người và truyền tải thông điệp đến con của mình là gặp chuyện không nên hoảng loạn. Đó chính là cách bồi dưỡng tố chất mà người bố tuyệt vời có thể dành cho con.
Trường hợp khác, trên chuyến tàu điện ngầm đông đúc, đứa trẻ do đứng mệt nên đã nhõng nhẽo nhờ bà ngoại tìm một vị trí ngồi trên tàu.
Bà ngoại của cậu bé đã nói rằng: "Các cô, các chú sau một ngày làm việc rất vất vả rất mệt mỏi. Cháu đã 5 tuổi, nếu có thể đứng được thì tốt, không nên đợi người khác nhường chỗ".
Dạy dỗ trẻ có sức lan tỏa giống như một thân cây dao động thì cây khác cũng dao động theo. Dạy dỗ là một tiếng nói thầm thì trên một hành trình dài đằng đẵng các bậc phụ huynh cần trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo bằng cách đặt sự tôn trọng và thấu hiểu ở vị trí trung tâm, thể hiện bằng hành động thực tiễn và suy nghĩ đến những người xung quanh.