Chị Hà Minh Phúc, chủ một thương hiệu thời trang có tiếng tại Hà Nội, có ba con, 11, 7 và 5 tuổi. Chị cho biết, vì sinh con khi còn trẻ, ở chung với ông bà nên cậu cả tên Bốp luôn được chiều chuộng, hầu như không bao giờ phải mó tay vào việc gì.
Vốn công việc bận rộn, lại nghĩ hồi bé mình cũng đâu cần người lớn chỉ bảo gì mà vẫn lớn lên ngoan ngoãn, thành công, nên khi con nhỏ, bà mẹ trẻ không mấy chú trọng việc giáo dục bé.
Hai năm trước, khi Bốp lên 9, bước vào tuổi ẩm ương, chị bắt đầu stress khi thấy con ngoan không ra ngoan, bướng không ra bướng, trong khi môi trường xã hội ngày càng phức tạp, việc dạy trẻ không đơn giản, nhất là khi con đã quen hưởng cuộc sống sung sướng. Chị bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho con, trò chuyện về cuộc sống, lao động, hưởng thụ, hướng dẫn Bốp làm việc nhà, giúp bà rửa bát, lau dọn.
Chị Hà Minh Phúc và ba con. |
Chị Phúc nảy ra ý định rèn con tự kiếm tiền khi hè rồi Bốp ao ước được bố mẹ tặng cho một chiếc điện thoại và xe đạp. Chị nhớ tới một câu chuyện mình rất tâm đắc "Trường đại học tốt nhất chính là trường nghèo khổ", và tin rằng có trải qua gian nan, vất vả, người ta mới đủ sâu lắng để hiểu, yêu và biết san sẻ hơn...
Vì vậy, chị đưa ra cho con hai phương án để có được số tiền mình muốn: Một là ban ngày con lên cơ quan mẹ phụ việc, lương 20.000 đồng/ngày, còn buổi tối lau dọn, rửa bát ở nhà, nhận công 10.000 đồng. Hướng thứ 2 là Bốp tự làm bánh dưới sự hướng dẫn của mẹ rồi bán.
Sau khi suy nghĩ, Bốp nghiêng về phương án thứ hai vì vốn thích kinh doanh, nhanh nhẹn với việc mua bán, giá cả. "Cháu không có sở trường về toán, văn nhưng mỗi lần đi siêu thị với mẹ thì thường nhìn ra rất nhanh các sản phẩm giá tốt hay đang có khuyến mại và biết so sánh giá khi đi mua sách ở các hiệu khác nhau", chị Phúc kể.
Bánh chuối là món Bốp tự tin làm từ A tới Z và được nhiều người yêu thích. |
Vốn hay ở gần khi mẹ làm bánh, Bốp học hỏi khá nhanh các thao tác. Ngày đầu tiên "làm ăn", sau khi bán được 240.000 đồng (lỗ hơn 300.000 tiền nguyên liệu), cu cậu mua ngay một món đồ chơi 75.000 nên đã bị bố gọi vào giảng giải về các chi phí, lãi, lỗ, cách dùng tiền.
Từ hôm sau, rút kinh nghiệm, Bốp làm được bao nhiêu là biết cộng tiền thu được, tính toán phần mua nguyên liệu, công của mình và những người trợ giúp. Chị Phúc nói rõ ràng: Mẹ sẽ giúp con làm Marketting bằng cách chụp hình, đăng quảng cáo sản phẩm trên Facebook, việc kiểm tra đơn hàng, giao ra sao, thu tiền là con tự làm.
Chị cho biết, khi giao việc cho con, cả bố và mẹ cũng phải học hỏi. Mẹ đi làm cả ngày về mệt nhoài nhưng tối đến vẫn miệt mài vừa cùng con làm bánh vừa trò chuyện về "việc kinh doanh". Bố nhiều hôm phải bỏ cả trận bóng yêu thích mùa World Cup để phụ con kiểm, giao hàng từ lúc ăn cơm tối xong cho tới 10h đêm.
Sau hơn 2 tháng "khởi nghiệp", Bốp đã có được nhiều bài học ý nghĩa như nên gộp đơn thế nào để đi giao bánh đỡ mất công, giao tiếp với người nhận ra sao. Cu cậu cũng học cách chịu trách nhiệm sau vài lần đi giao bánh mà quên không thu tiền nên bị mất lãi hay hiểu rằng dụng cụ làm bánh không được vệ sinh sạch sẽ và để gọn gàng, đúng chỗ thì có thể ảnh hưởng tới thành phẩm.
"Từ ngày vẽ ra bánh chè cả nhà lúc nào cũng vui như có hội, bà cháu tấp nập chuẩn bị hàng hóa, giao hàng, thu tiền, mệt nhưng vui. Thu tiền nhỏ mà hạnh phúc lớn", chị Phúc chia sẻ.
Sau hai tháng hè, Bốp đã có một số tiền đủ để mua điện thoại nhưng mẹ Minh Phúc muốn con phải thật sự trải nghiệm cuộc sống ở nơi nghèo khổ để biết trân trọng những gì mình đang có: Chị đưa con đến một làng quê nghèo miền núi ở Phú Thọ để con tự tay chăn trâu, cắt cỏ, nấu bếp củi. "Nhà mình hai bên ông bà đều ở Hà Nội nên bọn trẻ không có khái niệm về quê. Chỗ các con đến nhà là một người họ hàng của bạn tôi", chị Phúc cho biết.
Chị càng đề cao sự trải nghiệm thực tế và càng quyết tâm thực hiện việc này khi vô tình xem được một video nói về chuyện ăn mặc hàng hiệu của các em nhỏ được gọi là "Rickid Việt Nam", bà mẹ sinh năm 1985 nói.
Chị kể, ở nhà, bố mẹ có nói cả trăm nghìn lần rằng đi học là sướng nhất, rồi nhiều bạn ở quê rất khó khăn, vất vả... thì con cái cũng không cho vào đầu, nhưng khi đến nơi phải đi bộ lầy lội cả cây số mới vào được làng, không TV, quán hàng, thấy bạn bé hơn mình phải đi chăn trâu, cắt cỏ, nấu ăn bằng củi... con mới thực sự thấm thía.
"Mục tiêu của tôi là con mình sẽ trở thành người tử tế, có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh, chứ không phải là học hành thật giỏi giang hay nổi tiếng, thành công. Vì thế, tôi lựa chọn con đường dạy con qua trải nghiệm thực tế thế này", chị Phúc bày tỏ.