Cắt tóc máu cho con sau sinh tốt hay xấu?

Quan niệm được lưu truyền lâu đời là cắt tóc máu sẽ giúp tóc bé mọc nhanh hơn và đẹp hơn.

Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là một phần tự nhiên trong sự tăng trưởng và phát triển của em bé (Ảnh minh họa).
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là một phần tự nhiên trong sự tăng trưởng và phát triển của em bé (Ảnh minh họa).

Hầu như sau khi sinh con xong, các bà mẹ đều được nghe khuyên rằng nên cắt bỏ tóc máu – lớp tóc đầu tiên của con đi, để tóc mọc được dày hơn và khỏe hơn. Vì thế, thông thường, cứ đến đầy tháng hoặc hơn thì người ta lại thấy bà hoặc mẹ cắt tóc máu cho con.

Tuy nhiên, dưới góc độ của y khoa, việc làm này rất không an toàn, thậm chí gây nguy hiểm cho em bé.

Có nên cắt tóc máu cho con?

 - Ảnh 1.

Theo bà Leonica Kei, giám đốc đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Philip Kingsley ở Singapore, thì kết cấu tóc của em bé được xác định về mặt di truyền trước khi được sinh ra, và điều này là không thể thay đổi.

Nói một cách đơn giản, nang tóc là túi tế bào bên dưới bề mặt da đầu tạo ra tóc. Kích thước của các nang quyết định độ dày của tóc bé - nang càng lớn, sợi tóc càng dày. Mặt khác, số lượng nang xác định đứa trẻ sẽ có bao nhiêu tóc. Số lượng nang càng cao, thì tóc sẽ càng nhiều.

Bà Leonica Kei, giám đốc Trung tâm Philip Kingsley

Nhiều em bé được sinh ra có rất ít tóc, thậm chí là không có tóc. Đây được gọi là tóc Vellus. Tóc này ban đầu thường ngắn, mềm và kém sắc tố, nhưng từ 3 - 7 tháng sau khi sinh, tóc bé sẽ thay đổi dần. Cho đến khi đứa trẻ được 2 tuổi, tất cả tóc lúc mới sinh sẽ được thay thế hoàn toàn bằng tóc trưởng thành, và đó chính là mái tóc chính thức của đứa trẻ

Do đó, quan niệm cắt tóc máu để tóc mọc dày hơn, khỏe hơn là một quan niệm sai lầm. Vì các điều kiện kiểm soát sự phát triển và đường kính của tóc bé diễn ra ở da đầu, nên việc cắt tóc sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự phát triển của tóc.

Thêm vào đó, các chuyên gia khuyên cha mẹ nên trì hoãn việc cắt tóc cho con vì sợ sẽ làm bị thương bé nếu sơ sểnh.

"Da đầu của em bé rất mềm, đặc biệt là đỉnh đầu của bé, khu vực gọi là thóp rất mềm vì xương sọ của bé chưa được nối liền hoàn toàn với nhau. Vậy nên sẽ rất nguy hiểm cho bé nếu cha mẹ vô tình làm bé bị thương trong khi cắt tóc", bà Leonica cho biết.

Tại sao trẻ sơ sinh bị rụng tóc?

Một lo lắng phổ biến khác của các bà mẹ là tóc của con mọc không đều hoặc rụng loang lổ. Song theo lời giải thích của Tiến sĩ William Sears, Phó giáo sư lâm sàng về Nhi khoa tại Đại học California (Mỹ), thì rụng tóc ở trẻ sơ sinh - còn được gọi là telogen - là một phần tự nhiên trong sự tăng trưởng và phát triển của em bé.

Lý do gây ra tình trạng này là do sự sụt giảm đột ngột nồng độ hormone thai kỳ sau khi bé được sinh ra.

Tóc của bé cũng giống như tóc của người lớn, liên tục trải qua các giai đoạn tăng trưởng và nghỉ ngơi, nên sự phát triển tóc mới của bé có thể bị tụt lại phía sau khi mái tóc sơ sinh của bé rụng nhanh chóng, khiến bé không còn hoặc không có tóc.

Giai đoạn phát triển hoàn toàn bình thường này có thể kéo dài tới sáu tháng. Và tình trạng hói đầu này sẽ phụ thuộc vào tư thế ngủ hoặc nằm, hoặc ngồi của bé. Bé nằm ngửa nhiều, hoặc dụi đầu vào ghế nhiều thì sẽ rụng tóc nhiều ở phía sau đầu.

Để giảm tình trạng rụng tóc vành khăn này thì cha mẹ nên cho con nằm sấp nhiều hơn, bế con nhiều hơn, và nếu vẫn cảm thấy lo lắng thì cha mẹ có thể cho con đi tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Theo Helino

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ