Casting call biểu diễn ghi hình 'Đêm Thu cổ tích 2024': Cẩn trọng để tránh sập bẫy lừa đảo

GD&TĐ - Phóng viên vào vai phụ huynh liên hệ với fanpage có tên 'Chương Trình Đêm Hội Trăng Rằm 2024' để tìm hiểu về cách thức tham gia casting.

Nhiều fanpage quảng cáo chương trình 'Casting call' - VTV Đài Truyền hình Việt Nam tuyển sinh 63 tỉnh, thành với bé từ 3 đến 16 tuổi, tham gia biểu diễn ghi hình chủ đề 'Đêm Thu cổ tích 2024'.
Nhiều fanpage quảng cáo chương trình 'Casting call' - VTV Đài Truyền hình Việt Nam tuyển sinh 63 tỉnh, thành với bé từ 3 đến 16 tuổi, tham gia biểu diễn ghi hình chủ đề 'Đêm Thu cổ tích 2024'.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu - ngày lễ đặc biệt dành cho thiếu nhi, nhiều phụ huynh tìm kiếm và đăng ký cho các em tham gia các chương trình thực tế để được vui chơi, trải nghiệm.

Lợi dụng điều này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản quảng cáo chương trình thực tế dưới hình thức “Casting call” tuyển sinh trẻ em tham gia ghi hình, nhưng thực tế là lừa đảo.

Giăng bẫy…

Những ngày này mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang fanpage có tên: “Đêm Hội Trăng Rằm”, “Đêm Hội Trăng Rằm 2024”, “2 Lễ Hội Đêm Trăng Rằm”… liên tục đăng tải nhiều quảng cáo có nội dung: “Casting call - VTV Đài Truyền hình Việt Nam tuyển sinh 63 tỉnh, thành bé từ 3 đến 16 tuổi tham biểu diễn ghi hình chủ đề Đêm Thu cổ tích 2024”.

Theo lời mời, học sinh tham gia ghi hình chính thức, khi casting được ban tổ chức hỗ trợ xe đưa đón, chi phí sinh hoạt. Sân khấu hiện đại Full màn Led, thiết kế mới, visual hiển thị trên Led cho từng bài được thiết kế độc quyền và phát sóng trên truyền hình.

Phóng viên vào vai phụ huynh liên hệ với fanpage có tên “Chương Trình Đêm Hội Trăng Rằm 2024” để tìm hiểu về cách thức tham gia casting. Gửi tin nhắn đến fanpage này, phóng viên nhận được tin nhắn trả lời, giới thiệu là nhân viên trực fanpage “Chương trình Đêm Hội Trăng Rằm 2024” của Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời người này giới thiệu một loạt quyền lợi hấp dẫn mà bé sẽ nhận được khi tham gia chương trình.

Chúng tôi hỏi về việc bé có được lên truyền hình hay không và chi phí như thế nào? Người này trả lời là chương trình được một tờ báo hỗ trợ toàn bộ chi phí, bao gồm: Đi lại, ăn ở và đào tạo. Ngoài ra còn được hỗ trợ các khoản phí khác trong mỗi buổi ghi hình như trang phục, phụ kiện, makeup, stylist.

Khi phóng viên thắc mắc về việc fanpage đăng tải chương trình “Đêm Hội Trăng Rằm” của VTV mà fanpage lại không phải là VTV thì người này chỉ phản hồi chương trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, thời gian dự kiến ghi hình ngày 10/9 và được phát trực tiếp trên kênh của VTV vào tối 17/9 (dương lịch).

Khi phóng viên hỏi về chi phí đăng ký, số lượng đăng ký có đông hay không, xin địa chỉ dẫn con đến trực tiếp để tham quan và đăng ký… thì người này không phản hồi tin nhắn.

Lòng vòng chiêu trò dẫn dắt

Với quyết tâm làm rõ về chương trình casting đang được nhiều trang fanpage quảng cáo rầm rộ này, phóng viên tiếp tục vào vai một phụ huynh muốn đăng ký cho con tham gia chương trình casting call ứng tuyển biểu diễn ghi hình chủ đề “Đêm Thu cổ tích 2024” để nhắn tin vào fanpage có tên “Đêm Hội Trăng Rằm 2024”.

Giống như lần trước, ngay lập tức chúng tôi nhận được phản hồi của người tự xưng là nhân viên trực fanpage chương trình “Đêm Hội Trăng Rằm 2024” của Đài Truyền hình Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ lần trước, chúng tôi không thắc mắc về vấn đề gì đối với chương trình và trực tiếp mong muốn đăng ký cho con, tìm hiểu thủ tục như thế nào.

Nhân viên trực fanpage đã gửi cho chúng tôi một đường link tài khoản Facebook có tên “Trang Trần” và hướng dẫn “chủ động nhắn tin Facebook, gửi mã hồ sơ đăng ký để được hỗ trợ nhanh chóng về thông tin chương trình”; đồng thời gửi cho chúng tôi 1 mã đăng ký casting là 225S4”.

Làm theo lời nhân viên trực fanpage này, chúng tôi đã nhắn tin đến tài khoản Facebook có tên “Trang Trần”. Chờ đợi vài phút sau đó, chúng tôi nhận được tin nhắn phản hồi của “Trang Trần”. Tài khoản này giới thiệu là nhân viên hỗ trợ đăng ký tham gia chương trình, hỏi chúng tôi mã đăng ký casting và địa chỉ sinh sống.

Sau khi cung cấp các thông tin theo yêu cầu, “Trang Trần” tiếp tục phổ biến về chương trình, quyền lợi khi tham gia. Tiếp đó tài khoản này hướng dẫn phóng viên thực hiện điền form mẫu và gửi đăng ký thông qua một đường link. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn, “Trang Trần” yêu cầu cài đặt ứng dụng Telegram để kết nối với quản lý nhân sự của ban tổ chức có tên Nam Dương.

Sau khi kết nối thành công với người có tên Nam Dương thông qua ứng dụng Telegram, người này hướng dẫn phóng viên tham gia vào 1 nhóm chat Telegram có tên “XÉT TUYỂN ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM 2024” để thực hiện 2 vòng khảo sát cùng các phụ huynh khác. Điều này được lý giải là các phụ huynh cùng bé trang bị thêm về kiến thức và quảng bá sản phẩm của nhà tài trợ.

Nhóm chat có 31 thành viên. Tại đây, phóng viên được 2 người có tên tài khoản là “ĐIỀU PHỐI VIÊN” và “Trợ Lý Trâm Anh” tiếp tục hướng dẫn thực hiện khảo sát. Theo đó, vòng 1 trả lời 2 câu hỏi khảo sát; vòng 2 là thực hiện 1 hoạt động tương tác sản phẩm của nhà tài trợ đánh giá sự quan tâm của phụ huynh dành cho chương trình.

Sau khi tất cả các phụ huynh đã trả lời xong 2 câu hỏi trong vòng khảo sát thứ nhất, “ĐIỀU PHỐI VIÊN” tiếp tục hướng dẫn thực hiện vòng khảo sát thứ 2. Vòng này gồm 2 bước: Bước 1 tải hình ảnh nhà tài trợ do “Trợ Lý Trâm Anh” gửi riêng sau đó gửi lại lên nhóm chat chung; bước 2 là kích hoạt sản phẩm bảo hiểm của nhà tài trợ thông qua việc chuyển 678.000 VNĐ đến số tài khoản 90979999, Ngân hàng Techcombank. Chủ tài khoản là BH ONLINE PDT VN để kích hoạt gói bảo hiểm với mục đích quảng bá sản phẩm của nhà tài trợ.

Theo như lời “ĐIỀU PHỐI VIÊN” và “Trợ Lý Trâm Anh” thì các phụ huynh sau khi kích hoạt bằng banking (chuyển khoản) thì hệ thống sẽ xác nhận hóa đơn và hoàn trả lại tất cả tiền gốc + 5% hoa hồng tri ân từ nhà tài trợ.

Không hiểu vì lý do gì, sau đó phóng viên đã bị kích ra khỏi nhóm bởi admin. Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong thời gian rất ngắn (khoảng 5 phút) đã có rất nhiều phụ huynh chuyển khoản theo hướng dẫn của “ĐIỀU PHỐI VIÊN” và “Trợ Lý Trâm Anh”.

can trong de tranh sap bay (2).png
Người có tên Nam Dương thông qua ứng dụng Telegram, dẫn phóng viên tham gia vào nhóm chat để thực hiện vòng khảo sát.

Cẩn trọng để tránh sập bẫy

Qua những lời dụ dỗ, dẫn dắt của nhóm các đối tượng trên, phóng viên nhận thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo. Thời gian gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo giả mạo từ các trang Facebook, Zalo, Telegram giới thiệu các cuộc thi như: Táo Quân nhí, Duyên dáng áo dài, Chiến sĩ nhí, Học kỳ quân đội, Destination Runway fashion week 202… có sử dụng logo VTV.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Trưởng ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam: “Qua những cuộc thi đấu, những người đăng ký tham gia đã phải nộp một khoản tiền không được hoàn lại, các nhóm tội phạm này có rất nhiều chiêu trò gây thao túng tâm lý đối với người dân, trong đó có thể sử dụng những địa chỉ hẹn gặp tại Đài Truyền hình Việt Nam tại 43 Nguyễn Chí Thanh, nhằm tăng niềm tin cho khán giả tiếp tục nộp tiền. Tôi khẳng định rằng Đài Truyền hình Việt Nam không bao giờ tổ chức các sự kiện để thu tiền như thế và tất cả những người mạo danh trên các cuộc thi này đều là giả mạo”.

Luật sư Lê Minh Hương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, trường hợp tự ý sử dụng hình ảnh của Đài Truyền hình Việt Nam đăng tải thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức tự ý sử dụng hình ảnh trái phép để lừa đảo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 2 - 3 triệu đồng, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt tù lên đến 20 năm hay chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Mọi người cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các thông tin giới thiệu về các cuộc thi, chương trình từ các trang mạng xã hội. Người dân cần liên hệ, gặp trực tiếp để yêu cầu cơ quan tổ chức đó cung cấp tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện chương trình nói trên. Đồng thời, tuyệt đối không theo các hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất kỳ lý do gì nếu chưa xác định được danh tính người nhận tiền cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho các chương trình nói trên”, chuyên gia pháp lý khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.