Cập nhật vụ Global Hawk mất liên lạc bí ẩn trên Biển Đen

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo FlightRadar24, máy bay không người lái (UAV) Global Hawk của Mỹ buộc phải rời Biển Đen do tín hiệu liên lạc bị nhiễu loạn một cách bí ẩn.

Global Hawk hoạt động tại Biển Đen.
Global Hawk hoạt động tại Biển Đen.

Giải mã đòn bí ẩn

Dữ liệu từ FlightRadar24 cho biết, chiếc RQ-4B Global Hawk đã phát đi tín hiệu 7600 khi bay trên không phận Biển Đen.

Sau khi phát đi tín hiệu 7600 (có nghĩa là mất liên lạc), UAV bắt đầu di chuyển khỏi hướng Crimea và hướng về đảo Sicily của Ý.

Ilya Kramnik, chuyên gia nghiên cứu tại Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga đã giải thích về đặc điểm của máy bay không người lái RQ-4B Global Hawk và vấn đề bí ẩn chúng gặp phải trong chuyến bay trên Biển Đen.

"Đây là loại máy bay không người lái rất lớn (sải cánh khoảng 40 mét), một máy bay trinh sát chiến lược với thời gian tuần tra lên tới một ngày hoặc thậm chí hơn, và ở khoảng cách rất xa so với căn cứ.

Trên bầu trời Biển Đen, những máy bay không người lái kiểu này làm nhiệm vụ trinh sát. Global Hawk có radar và camera chuyên dụng. Đây là thiết bị cơ bản, cộng với các thiết bị bổ sung có thể được cung cấp để đối phó với vô tuyến và các hệ thống trinh sát của đối phương", vị chuyên gia giải thích.

Trong chuyến bay trên Biển Đen, chiếc UAV này thu thập thông tin tình báo từ phía Nga để cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

"Nhiều thiết bị của Mỹ, bao gồm cả Global Hawk, đang tham gia thu thập và truyền dữ liệu tình báo, bao gồm cả cho Ukraine… Quân đội Mỹ, bao gồm cả những người cấp cao, đã nhiều lần xác nhận rằng có sự hợp tác rất chặt chẽ với Ukraine", chuyên gia Nga nói.

Cùng với mục đích Global Hawk xuất hiện trên Biển Đen, vị chuyên gia này cũng tiết lộ về nguyên nhân khiến chiếc UAV khổng lồ của Mỹ bị nhiễu loạn và mất thông tin liên lạc.

"Rất có thể, đây là kết quả của việc chúng ta (Nga) sử dụng hệ thống tác chiến điện tử nhằm ngăn chặn việc dẫn đường của vệ tinh.

Có những hệ thống như vậy với sức mạnh khác nhau, chúng được sử dụng ngoài mặt trận để làm gián đoạn việc dẫn đường vệ tinh của đối phương, để bảo vệ chống lại đạn dược do vệ tinh dẫn đường.

Những phương tiện này cũng được sử dụng để đánh lạc hướng máy bay không người lái", chuyên gia Ilya Kramnik nói.

Mặc dù vậy, cả FlightRadar24 và ông Ilya Kramnik đều không nói rõ thời điểm chiếc UAV Mỹ mất liên lạc khi bay trên Biển Đen.

Biển Đen không còn an toàn?

Với sự hỗ trợ từ phương Tây, Ukraine đang từng bước giành lại ảnh hưởng của mình tại Biển Đen trước lực lượng Nga.

Natalia Humeniuk, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam của Ukraine vừa đưa ra nhận định tình hình Biển Đen vẫn căng thẳng và Kiev "vẫn còn chặng đường dài phía trước để phá hủy toàn bộ năng lực" của Nga tại bán đảo Crimea.

"Nga nhận ra họ không còn an toàn tại Biển Đen và các căn cứ của mình", Humeniuk tuyên bố, đồng thời cảnh báo: "Giai đoạn bùng nổ sẽ tiếp tục, sẽ có thêm những điều thú vị và thông tin trong tương lai".

Thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2/2022, Hải quân Ukraine hoàn toàn bị áp đảo về lực lượng và để mất hoàn toàn thế trận ở Biển Đen. Ukraine được cho đã tự đánh chìm soái hạm tại cảng để nó không rơi vào tay lực lượng Nga.

Nga triển khai các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen áp sát bờ biển Ukraine, đến mức người dân Odessa có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Tàu chiến Nga liên tục nã pháo vào thành phố, phong tỏa hoàn toàn mọi hoạt động ra vào bằng đường biển, khiến cảng Odessa tê liệt.

Nhưng đến nay, tàu chiến Nga không còn mạo hiểm tiến vào khu vực phía tây bắc Biển Đen, do mối đe dọa từ tên lửa và thủy lôi Ukraine. Hạm đội Biển Đen cũng chịu tổn thất nặng nề sau loạt cuộc tập kích tầm xa của Ukraine.

Để tạo lợi thế, Ukraine hồi tháng 8 sử dụng xuồng không người lái tập kích tàu chở dầu Nga trên eo biển Kerch và tuyên bố tất cả cảng lớn của Nga ở Biển Đen đều là "khu vực có nguy cơ xung đột".

Danh sách này gồm cả Novorossiysk, cảng thương mại lớn nhất của Nga, cửa ngõ quan trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu quan trọng của Moskva.

Dmytro Barinov, phó giám đốc điều hành Cơ quan quản lý Cảng biển Ukraine, nói: "Người Nga phải nhận ra rằng Biển Đen giờ không còn là thế trận một chiều, mà là hai chiều. Nếu bạn không động vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ không động tới bạn".

"Rõ ràng người Nga không còn thế chủ động ở Biển Đen vì chiến thuật tấn công đa dạng của hải quân và đặc nhiệm Ukraine. Đó là thay đổi rất quan trọng.

Người Ukraine dần lấy lại thế chủ động và loạt chiến thắng nhỏ đã bắt đầu góp phần vào thành công mang tính chiến lược", Michael Petersen, giám đốc Viện nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ