Trường học 'ứng phó' với thừa cân béo phì ở học sinh

GD&TĐ - Theo thống kê, năm học 2022 - 2023, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì tại TPHCM chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 32%) trong số các bệnh học đường.

Tiết học giáo dục thể chất của Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú). Ảnh: TG
Tiết học giáo dục thể chất của Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú). Ảnh: TG

Năm học này, cùng với khuyến nghị chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngành GD-ĐT TP đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện.

Chiếm tỷ lệ cao

Tỷ lệ học sinh béo phì ở mức cao tại TPHCM được ngành y tế cảnh báo nhiều năm trước, nguyên nhân bởi các em ít có thời gian, điều kiện vận động thân thể. Nhiều học sinh chọn cách giải trí bằng thiết bị điện tử thay vì chơi thể thao. Thói quen ăn uống nhiều tinh bột, chất đạm, thiếu rau củ… cũng khiến trẻ béo phì.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, từ năm học 2022 - 2023, trong gần 2 nghìn trường học, số trường tổ chức kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh đạt trên 98%. Thừa cân béo phì, khúc xạ về mắt, sâu răng, suy dinh dưỡng là căn bệnh nhiều em mắc phải. Trong đó, thừa cân béo phì cao nhất hơn 32,28%.

Cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) cho biết, năm học vừa qua, trường có 46,5% học sinh thừa cân, béo phì. Với trường hợp này, nhân viên y tế sẽ nhắc nhở bảo mẫu cho ăn nhiều rau xanh, canh, ít cơm và trao đổi với giáo viên giáo dục thể chất hướng dẫn một số bài tập song đòi hỏi tế nhị, tránh cho các em cảm giác tự ti, mặc cảm.

“Năm học này, trường chưa tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Nhưng trong buổi họp phụ huynh đầu năm, thầy cô đã trao đổi về việc chăm sóc sức khỏe thể lực, tham gia hoạt động thể thao. Tất nhiên điều này phụ thuộc vào phụ huynh có muốn và sắp xếp được thời gian hay không”, cô Mai cho hay.

Thời gian qua, chị Phương Tuyết (TP Thủ Đức) đau đầu việc lên thực đơn mỗi ngày cho con trai. Với chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh không kiểm soát, ít vận động nên con chị có cân nặng vượt trội dù mới học lớp 4. Mỗi tuần, sau khi kiểm tra cân nặng cho con, chị lại cắt khẩu phần sữa, đồ ăn vặt và cơm vì lo lắng. Nhưng chị lại thấy con mệt mỏi hơn vì đói, ăn uống thiếu chất.

“Vợ chồng tôi đang tích cực thay đổi khẩu phần ăn uống để con có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, tôi tìm cho con lớp học thể thao, nhưng với lịch học khá dày nên con chưa thể sắp xếp. Tôi lo tình trạng này kéo dài sẽ khiến con mắc thêm bệnh…”, chị Tuyết nói.

Học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp) tham gia hoạt động thể thao do trường tổ chức. Ảnh: TG

Học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp) tham gia hoạt động thể thao do trường tổ chức. Ảnh: TG

Học sinh phải chơi thạo một môn thể thao

Thầy Nguyễn Thuyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp) chia sẻ, nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động thể dục thể thao, giúp học sinh được tham gia ít nhất một môn để rèn luyện sức khỏe. Hiện, đơn vị đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 5 câu lạc bộ: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… thu hút 100% học sinh tham gia. Các câu lạc bộ tổ chức luyện tập sau 16 giờ 30 phút mỗi ngày trong tuần. Ngày nghỉ cũng mở cửa cho học sinh luyện tập.

“Hằng năm, vào dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước như Quốc khánh 2/9, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3... nhà trường tổ chức giải thi đấu, giao lưu giữa các câu lạc bộ trong trường, tạo không khí thi đua sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia”, thầy Thuyên cho hay.

Bên cạnh nhiệm vụ dạy học, ngành Giáo dục chú trọng phát triển phong trào thể dục thể thao trường học. Ngoài giờ giáo dục thể chất, hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh dưới hình thức câu lạc bộ. Đến nay, 90% trường học có câu lạc bộ thể thao, hơn 72,3% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động này. Nhiều môn thể thao được nhà trường quan tâm tổ chức.

Chia sẻ thông tin, bà Cao Thị Thiên Phúc - Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM đồng thời cho biết, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu mỗi trường học, tùy theo điều kiện, phải tổ chức từ ba câu lạc bộ thể thao trở lên cho học sinh tập luyện. Hiện, một số trường vượt yêu cầu này nhưng có trường chưa đạt.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh: Hoạt động thể thao ngoại khóa ở một số trường khá sôi nổi, nhưng có nơi nặng hình thức, chưa hiệu quả. Do đó, năm học 2023 - 2024 sở yêu cầu các trường đẩy mạnh câu lạc bộ thể thao học đường, tạo điều kiện để học sinh rèn luyện thể chất, chơi thành thạo ít nhất một môn thể thao.

“Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cần thực hiện thường xuyên, phù hợp nội dung môn Giáo dục thể chất, đa dạng hóa hình thức vận động, duy trì việc tập luyện thể dục buổi sáng, giữa giờ, dạy các bài võ cổ truyền, Vovinam.

Đặc biệt, thời gian sinh hoạt câu lạc bộ được bố trí linh hoạt, phù hợp thời khóa biểu học tập để thu hút đông đảo học sinh; giúp các em yêu thích và hình thành thói quen rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe phục vụ học tập và lao động sáng tạo, đồng thời ngăn ngừa bệnh tim mạch, thừa cân, béo phì…”, bà Cao Thị Thiên Phúc cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.