Chiều 15/8, tại Hội nghị giao ban báo chí thường niên, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp VNPT Thanh Hóa trao tặng chữ ký số cho Trưởng Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, kỹ thuật viên của Sở TT&TT và VNPT hướng dẫn sử dụng gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống và sử dụng chữ ký số cho Trưởng Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.
Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết, hiện nay, nhu cầu trao đổi văn bản giữa các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước với cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
“Hiện nay, 100% văn bản ở các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều thực hiện ký số. Tuy nhiên, việc trao đổi, gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị phải thực hiện in ấn, gửi bản giấy qua đường bưu điện, fax… không thực hiện thông qua một hệ thống nào để việc giao nhận nhanh nhất, dẫn đến việc chuyển phát mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí”, ông Quyết thông tin.
Thanh Hóa tổ chức Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 8/2023. Ảnh: TL. |
Trước thực tế trên, Sở TT&TT Thanh Hóa đã xây dựng giải pháp liên thông văn bản điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng.
Cũng theo người đứng đầu Sở TT&TT Thanh Hóa, thời gian qua khi gửi, nhận văn bản của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú báo chí trung ương tại Thanh Hóa đến các cơ quan quản lý nhà nước qua địa chỉ email cá nhân theo nhóm thường bị lỗi, gây ảnh hưởng đến chế độ thông tin.
Do đó, nhằm đảm bảo việc gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn, Sở TT&TT thực hiện cấp tài khoản sử dụng trên phần mềm gửi, nhận văn bản của tỉnh cho các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú báo chí trung ương tại Thanh Hóa.
“Đối với văn bản đi, sẽ giảm thiểu công tác in ấn, gửi bưu điện khi gửi văn bản ngoài đơn vị. Thông tin trao đổi với chính quyền địa phương nhanh chóng, tức thời, phát huy hiệu quả cao đối với những công văn có tính khẩn cấp.
Đối với văn bản đến, hiệu quả nhận thấy là hạn chế tiếp nhận văn bản qua đường bưu điện đến muộn, giúp cho vấn đề giải quyết công việc với chính quyền địa phương kịp thời ”, ông Quyết cho hay. “Việc triển khai giải pháp liên thông văn bản điện tử đã tháo gỡ được nút thắt trong chủ trương xây dựng chính quyền điện tử với cơ chế một cửa. Gia tăng tính thuận tiện trong trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với nhau”, ông Quyết thông tin thêm.