Phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Sơn La

GD&TĐ - Ngày 4/3, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: 'Bát nháo xây nhà trên đất nông nghiệp ở Mai Sơn (Sơn La): Giám đốc xin... rút kinh nghiệm sâu sắc'.

Ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép của ông Nguyễn Quang Hưng trên đất nông trường.
Ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép của ông Nguyễn Quang Hưng trên đất nông trường.

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La khẳng định: Phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Không dung túng, để sai phạm tồn tại

Ngày 4/3, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: “Bát nháo xây nhà trên đất nông nghiệp ở Mai Sơn (Sơn La): Giám đốc xin... rút kinh nghiệm sâu sắc”. Liên quan đến vụ việc này, Báo GD&TĐ đã có cuộc làm việc với ông Phùng Kim Sơn, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La.

Theo ông Sơn, việc cán bộ, công nhân của Công ty Cổ phần Nông nghiệp (CPNN) Chiềng Sung làm nhà trên đất nông trường là dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ để xây dựng trái phép.

Để xảy ra tình trạng này, trước hết lỗi thuộc về chính quyền địa phương vì quản lý trật tự xây dựng không chặt chẽ. Trường hợp công ty đã nhận sai khi để các cá nhân xây nhà trên đất nông trường thì công ty phải yêu cầu các trường hợp đó tự tháo dỡ và khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Ngày 14/2, ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty CPNN Chiềng Sung có văn bản báo cáo tình hình sử dụng đất ở khu vực bản Tân Lập.

Trong công văn trên, Công ty CPNN Chiềng Sung cho biết, khu vực bản Tân Lập (xã Chiềng Sung) có mảnh đất xen kẹt giữa khu dân cư với nhà văn hóa bản, diện tích 1.150 m2.

Năm 2021, Công ty CPNN Chiềng Sung đã thuê đo đạc và báo cáo để UBND tỉnh Sơn La thu hồi hơn 30 ha đang do công ty quản lý trả về cho địa phương. Trong đó, có 1.150 m2 đất ở khu vực bản Tân Lập để xã quy hoạch khu dân cư.

Khi UBND tỉnh Sơn La chưa có trả lời chính thức về việc này thì ngày 10/2/2021, HĐQT của công ty đã họp bàn và nhất trí giao cho ông Nguyễn Quang Hưng (cán bộ của công ty) 400 m2 đất để làm nhà và không thu tiền sử dụng đất.

Ông Triển cho rằng: “Khi có quyết định của UBND tỉnh Sơn La về việc thu hồi diện tích 1.150 m2 đất nói trên và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giá trúng thầu của diện tích, còn lại bên cạnh nhà ông Hưng bao nhiêu thì ông này sẽ có nghĩa vụ nộp vào ngân sách bấy nhiêu”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La khẳng định: “Nếu công ty để lấn chiếm đất nông trường, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính và thu hồi đất. Đất đó muốn có bìa đỏ thì phải đập cái nhà đó đi, chứ không phải đưa ra đấu giá đâu. Công ty không có quyền cắt đất cho ai cả”.

Khu đất của ông Tòng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung được vây bờ rào B40.

Khu đất của ông Tòng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung được vây bờ rào B40.

Hợp thức hóa?

Công ty CPNN Chiềng Sung được UBND tỉnh Sơn La cho thuê đất theo Quyết định 2519/QĐ-UBND ngày 24/9/2014, với tổng diện tích 199,33 ha. Theo Hợp đồng thuê đất số 1085/HĐ-TD, công ty có thời hạn thuê là 50 năm. Mục đích sử dụng đất thuê là sản xuất nông nghiệp. Mục đích là vậy, song Công ty CPNN Chiềng Sung đã để xảy ra tình trạng nhiều hộ dân xây dựng nhà ở trái phép. Giám đốc công ty này đã xin… rút kinh nghiệm sâu sắc.

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La khẳng định: Phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Trước đó, vào ngày 7/2 trong vai người mua đất, phóng viên gặp bà Hoàng Thị Nguyệt, vợ của ông Lộc Mậu Phi (em trai ruột của ông Lộc Mậu Triển), bản Cang, xã Chiềng Sung.

Mục đích là để tìm hiểu xem có hay không tình trạng chuyển nhượng đất nông trường xảy ra tại Công ty CPNN Chiềng Sung. Bà Nguyệt cho biết gia đình mình đã từng mua 1 mảnh đất rộng chừng 800 m2 cách đây vài năm.

“Tôi mua đất khoảng 4 - 5 năm nay rồi. Năm đấy, họ đang vận động mỗi bản 1 nhà văn hóa, tuy nhiên lại không làm. Tôi mua 800 m2 với giá 170 triệu đồng (vị trí gần đất bà Nguyệt được giao khoán - PV). Các anh cứ ra ngoài công ty hỏi ông Cần, ông Triển ấy”, bà Nguyệt nói.

Theo phản ánh, ngoài trường hợp của ông Tòng Thanh Sơn thì bà Tòng Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung cũng có cổ phần tại công ty và được giao khoán đất.

Không những thế, còn có một số trường hợp liên quan đến các cán bộ xã tiền nhiệm, như: Lường Thành Thưởng (con trai của ông Lường Thanh Bình, nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung) đã xây nhà cấp 4; ông Quàng Văn Chơ, nguyên Bí thư xã Chiềng Sung (sở hữu 1 diện tích đất).

Ông Phùng Kim Sơn, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La, cho biết: “Hiện nay, tỉnh đang rất quyết liệt trong chỉ đạo để giải quyết. Quan điểm bằng mọi giá phải sắp xếp lại tất cả các khu đất nông trường, trong đó có huyện Mai Sơn, Vân Hồ… những trường hợp nào có dấu hiệu lấn, chiếm đất thì họ phải chứng minh nguồn gốc, đối chiếu với hồ sơ địa chính”.

“Thực ra nếu có tình trạng mua bán đất nông trường với nhau, có thể là họ cho người nhà lấn chiếm, khoanh đất lại, xây dựng nhà cửa để mai sau hợp thức hóa. Để ngăn chặn được vấn đề này, các địa phương cần quản lý chặt về trật tự xây dựng. Quan trọng nhất là ngăn chặn việc tạo lập tài sản cố định”, ông Sơn nói.

“Đối với trường hợp xây dựng nhà cửa trên đất nông trường tại Chiềng Sung, chúng tôi sẽ ban hành văn bản và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo địa phương quản lý chặt về trật tự xây dựng. Cùng với đó, gắn liền trách nhiệm của chính quyền địa phương vào câu chuyện này”, ông Sơn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.