Nằm ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, là nơi giao thoa tiếp giáp giữa 2 vùng văn hóa Đông Bắc-Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông-Tây-Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Một trong những bản sắc riêng làm nên sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang chính là giá trị văn hóa truyền thống. Cộng đồng dân cư ở đây không chỉ là chủ thể tạo nên các sản phẩm du lịch mà còn luôn giữ gìn, bảo tồn các giá trị tự nhiên và nhân văn được khai thác phục vụ cho du lịch.
Là vùng đất có lịch sử văn hóa nhân văn lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… Cùng với đó là những di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng quốc gia, tiêu biểu như: Phố cổ Đồng Văn; khu di tích kiến trúc nhà Vương; cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); Di tích cách mạng Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Căng Bắc Mê (Bắc Mê); bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần); danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...
Năm 2016, tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông, giai đoạn 2016-2020. Đề án không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh..
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống, hỗ trợ các địa phương xây dựng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát.
Mới đây, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã vượt qua kỳ tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ 2018 - 2022. Ngay trong những ngày cuối năm 2020 UBND tỉnh Hà Giang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển gắn với việc bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Tích cực nhân rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc, tập trung xây dựng các làng văn hóa đặc trưng các dân tộc theo thứ tự ưu tiên vào các vùng trọng điểm, huy động nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản và tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên tiềm năng di sản văn hóa.
Tuy nhiên, hiện nay có một số đối tượng đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", mê tín dị đoan, đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền người dân không đi theo các hiện tượng tôn giáo mới chưa được thừa nhận; tăng cường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; hưởng ứng các phong trào thi đua, tích cực lao động sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, đánh thức được sự tự hào về văn hóa, truyền thống của dân tộc mình trong mỗi người dân; giúp họ trân trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa ấy.