Cao cả tấm lòng cô giáo tiểu học

GD&TĐ - Gần ba thập kỷ gắn bó với nghề giáo, cô Huỳnh Thị Thanh Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Hưng Phú B (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), dành hết tâm huyết để dạy dỗ học trò. Chính nghị lực và lòng yêu nghề đã giúp cô vượt qua nhiều khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của ngôi trường giàu truyền thống…

 Cao cả tấm lòng cô giáo tiểu học

Sâu sắc lời dạy của cha

Ở thập niên 90 của thế kỉ XX, đường giao thông nông thôn chỉ là con đường sình lầy bùn đất, đói nghèo và lạc hậu đeo nặng hành trang của trẻ với con chữ. Lớp 1 của cô Thủy chủ nhiệm có gần 60 học sinh trong căn nhà bằng cây lá, vách ngăn giữa các lớp bằng mê bồ (tre vót mỏng đan lại dùng để chứa lúa). Bảng đen bằng cây đã cũ, bong tróc, viết phấn không dính. Bàn ghế học sinh thiếu thốn đến nỗi 6 em phải chen chúc ngồi với nhau trên 1 ghế…

Học sinh không được học mẫu giáo nên khi vào cấp tiểu học càng khó tiếp thu. Vài chục học sinh được cô giáo chuẩn bị sẵn tập kẻ ô ly đem vào lớp cho các em luyện viết, đến hết buổi học cô lại gom đem về nhà kẻ ô chuẩn bị cho ngày hôm sau. Những hôm trời mưa đường trơn trượt, cô Thủy không hủy buổi dạy nào. Cũng vì thương trò, lo cho trò không theo kịp chương trình nên cô Thủy nhủ với lòng mình mỗi ngày thêm cố gắng.

Giáo viên vừa hòa nhập vào môi trường giáo dục như cô Thủy dù có nhiệt huyết nhưng cũng có những lúc nặng lòng vì cơm áo, gánh nặng kinh tế khi 6 tháng đi dạy không có lương do tỉnh nhà còn khó khăn.

Cô Thủy tâm sự: “Thời điểm vừa mới đi dạy gặp quá nhiều trở ngại ở cuộc sống lẫn công việc, tôi như muốn gục ngã, chỉ mơ hồ nghĩ có thể kiếm việc khác làm tìm thu nhập đỡ đần gia đình. Nhờ có ba tôi trước kia là thầy giáo làng, vừa ngay khi áp lực đến ba tôi đã khuyên nhủ là làm nghề nào cũng vậy chọn nghề thì phải theo nghề, nghề phải theo nghiệp nên không được buông xuôi. Khi có được vật chất nhưng không đúng nghề mình yêu thích sẽ phải hối hận, phải mạnh mẽ hơn rồi khó khăn sẽ qua. Tôi nhớ như in từng lời ba nói, lời dạy như kim chỉ nam giúp tôi qua cơn khó khăn được làm giáo viên đến tận hôm nay”.

Thấm nhuần tinh thần giáo dục từ người cha của mình, tình thương dành cho học trò chịu nhiều thiệt thòi quá dỗi, cô Thủy trưởng thành hơn qua những bài giảng, qua những gập ghềnh trên bước đường vào nghề giáo.

Dạy học bằng tình thương

Cô Thủy tâm đắc: “Những người thầy cô giáo cũ, những người lãnh đạo trong ngành tiếp thêm động lực để tôi vững tin vào giáo dục qua sự sáng tạo, cách xử lý công việc đầy tâm huyết của họ với nghề để tôi noi gương, quyết tâm xứng đáng với nghề được trân trọng, xã hội tôn vinh cao quý.

Điều cốt lõi nhất trong phương pháp giáo dục của tôi là tình thương dành cho trò. Nếu không có tình thương thì quá trình dạy và học gặp khó khăn hơn. Cô và trò phải gắn bó với nhau từ tình thương mến giúp các em tiến bộ, người thầy dạy kiến thức phải đi đôi với giáo dục về đạo đức cho trò”.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, đón nhận nhiều đổi thay của cuộc đời, cô Thủy vẫn nghiêm khắc với bản thân trong cách dạy của mình, vẫn đặt học sinh lên ưu tiên hàng đầu và hết mình cho công việc. Mặc dù thuộc lớp người cũ giữa hiện tại thì cô vẫn cho mình cơ hội thực hiện nhiều phương pháp giảng dạy đổi mới theo kịp thời đại như dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia sáng tạo đồ dùng dạy học nhiều năm liền…

Cần mẫn với nghề bao nhiêu thì thành công theo đuổi bấy nhiêu khi cô luôn là giáo viên dạy giỏi từ năm 1990 đến nay cùng rất nhiều phần thưởng khen tặng xứng đáng. Đặc biệt, cô được tỉnh Sóc Trăng trao tặng danh hiệu “Viên phấn Vàng” năm 2006; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014. Nổi bật nhất là các sáng tạo đồ dùng dạy học ứng dụng trong giảng dạy gây hứng thú có âm thanh sinh động, màu sắc bắt mắt như: Lược đồ giao thông vận tải giải Nhì cấp huyện và Khuyến khích cấp tỉnh (2013); Mô hình Môi trường và năng lượng giải Nhất cấp huyện và Khuyến khích cấp tỉnh (2014); Ngôi nhà bí mật đạt giải Ba cấp huyện (2015); Lược đồ biên giới Thu Đông giải Nhất huyện (2016).

Vào ngành năm 1988 từ nhu cầu tuyển giáo viên giảng dạy của tỉnh Sóc Trăng, cô giáo Thanh Thủy tựa đời mình vào những trang giáo án, đem chữ cho trò. Trở thành cô giáo tiểu học từ khi tuổi đời 18, cô giáo Thủy luôn nỗ lực để xứng đáng với cương vị là một nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.