Do đặc thù, Hòa An có nhiều điểm trường lẻ, một số trường cách xa nhau, số lớp học tại mỗi cơ sở ít. Điều này gây không ít khó khăn, bất cập trong việc tham gia học tập của học sinh và triển khai các hoạt động giáo dục của giáo viên.
Sau khi tiến hành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, hệ thống mạng lưới trường lớp huyện Hòa An được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm số đầu mối, số trường và điểm trường lẻ. Toàn huyện hiện có 50 trường học và 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, giảm 25 trường học và 1 trung tâm so với năm 2015.
Hầu hết các trường sau khi sáp nhập đều tập trung được công tác quản lý, thuận lợi hơn về bố trí chuyên môn, tăng cường các hoạt động trao đổi, dự giờ. Cũng nhờ dồn ghép, chi phí đầu tư và quản lý cũng giảm. Đặc biệt, học sinh đến trường được quan tâm, chăm sóc tốt hơn, được tham gia các hoạt động giáo dục một cách tích cực hơn. Nhờ đó, việc thực hiện công bằng, thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các địa phương được đảm bảo.
Sau khi ghép 2 cấp, Trường TH - THCS Hồng Việt hiện có quy mô 307 học sinh, với tổng số 23 cán bộ giáo viên. Việc ghép trường cơ bản diễn ra thuận lợi, sĩ số duy trì ổn định khi huy động học sinh đến lớp đạt 100%. Duy nhất có 01 trường hợp học sinh ở xa trường 8km, các thầy cô đã vận động thuyết phục gia đình để cho em ở nhà người quen, tiếp tục đảm bảo việc đến lớp.
“Ban đầu, chúng tôi cũng có những lo lắng nhất định về nhiều vấn đề như tổ chức, quản lý, bố trí chuyên môn… Đó là chưa kể việc phải đến từng nhà để trao đổi, vận động phụ huynh học sinh để họ hiểu rõ và đồng hành cùng nhà trường. Đến nay, cơ bản cả thầy và trò đều đã ổn định và bắt nhịp với môi trường mới, phụ huynh thì ủng hộ và yên tâm. Mừng nhất là các em đã được tiếp cận các hoạt động giáo dục, học tập một cách đầy đủ, tập trung hơn” - cô giáo Hoàng Thị Bằng Giang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cùng với đó, cơ sở vật chất trường lớp học được tăng cường đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngành đã huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước, xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục, đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,7%, bán kiên cố đạt 22,6%, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hằng năm các cơ sở giáo dục đều được bổ sung các trang thiết bị dạy học, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho các hoạt động giáo dục của các nhà trường.
Để đồng bộ với việc sắp xếp tinh gọn mạng lưới và hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, Hòa An cũng chú trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
“Chúng tôi hiện đảm bảo đội ngũ với hơn 800 thầy cô giáo, 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” - ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa An trao đổi.
Theo ông Nguyễn Hải Nam cho biết, Phòng đang tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp mới, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình đổi mới Chương trình, có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ của ngành.
Công tác sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường lớp thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng. Chỉ trong năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh đã giảm 125 trường, trong đó giảm nhiều nhất là các trường khối tiểu học (sáp nhập với THCS). Đây là bước đi nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng, đồng thời góp phần đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.