Canh giữ cây chết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện rừng đặc dụng Đăk Uy có khoảng 1.000 cây gỗ trắc hàng chục năm tuổi và có khoảng 2.500 cây trắc khác đã trồng từ nhiều năm nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, ông Võ Sỹ Chung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum tiếp tục khẳng định với báo giới là Chi cục cũng đã hết cách để có thể khai thác 161 cây gỗ trắc đang chết đứng hoặc đã “chết nằm” từ nhiều năm nay tại rừng đặc dụng Đăk Uy, thuộc huyện Đăk Hà (Kon Tum) do vướng quy định đối với rừng đặc dụng.

Theo đó, Điều 52 của Luật Lâm nghiệp quy định: Tổ chức và cá nhân không được khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng. Điều này đồng nghĩa với việc chủ rừng không thể di chuyển hoặc thu gom số gỗ trên.

Cách đây vài năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng đã tiến hành cắt khúc 2,2m3 gỗ trắc bị ngã đổ cho vào kho quản lý, làm tờ trình xin xử lý số gỗ này.

Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản trả lời rằng, hành vi cắt khúc số gỗ nói trên để đưa vào kho quản lý là không thực hiện đúng quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Cái khó để xử lý số gỗ chết đứng lẫn chết nằm nói trên là, nếu bỏ mặc phơi mưa phơi nắng dẫn đến mục nát thì xót của vì đây là gỗ thuộc nhóm 1, loại gỗ quý nhất hiện nay tại Việt Nam, mà khai thác thì không cho phép nên buộc phải... quấn tôn lại và cắt người canh giữ 24/24 giờ, chứ nếu mất cây thì cũng bị kỷ luật, thậm chí bị đi tù!

Rừng đặc dụng Đăk Uy rộng 538 ha - mảng xanh hiếm hoi còn lại ở Tây Nguyên, nhưng chỉ có 40 cán bộ kiểm lâm trông coi. Giờ phải trông coi thêm 161 cây trắc bị chết, lại nằm rải rác khắp nơi nên lực lượng vốn đã thiếu càng thêm thiếu.

Chưa nói đến giá trị của 161 cây gỗ trắc nhóm 1 này sẽ bị mất trắng do cây bị mục nát, việc phải cắt cử người trông coi cả cây chết như thế là điều bất hợp lý dù có thể đó là luật nên phải chấp hành. Nhưng suy cho cùng, luật cũng do con người soạn ra chứ không phải từ trời rơi xuống nên việc điều chỉnh sao cho hợp lý là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Hiện rừng đặc dụng Đăk Uy có khoảng 1.000 cây gỗ trắc hàng chục năm tuổi và có khoảng 2.500 cây trắc khác đã trồng từ nhiều năm nay. Số gỗ trắc đã già cỗi rồi chết không chỉ dừng lại ở 161 cây mà sẽ bổ sung hàng năm. Điều đó cũng có nghĩa, cán bộ kiểm lâm ở đây cũng sẽ “thêm việc” cho số cây chết bổ sung này.

Việc cây già rồi chết là quy luật của tự nhiên. Khai thác số cây đã chết và trồng bổ sung cây mới vào để thế chỗ, đó cũng là một cách giữ rừng hiệu quả chứ không phải giữ cây chết một cách cứng nhắc thì mới được gọi là giữ rừng.

Điều băn khoăn là, chỉ sợ xin khai thác 161 cây nhưng lại “cấu” thêm vào số cây chưa chết để xà xẻo của công như một số nơi đã làm. Đó mới là việc đáng lo nhất vậy.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.