Những người giữ rừng đặc dụng Đăk Uy

GD&TĐ - Chẳng quản ngày, đêm hay lễ tết lực lượng bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy luôn túc trực, bảo vệ 'lá phổi xanh'.

Rừng đặc dụng Đăk Uy có diện tích hơn 538 ha, với nhiều loại cây quý hiếm nên dễ bị tác động.
Rừng đặc dụng Đăk Uy có diện tích hơn 538 ha, với nhiều loại cây quý hiếm nên dễ bị tác động.

Kể cả những cây đã chết khô cũng được rào, chắn và trông coi cẩn thận, tránh kẻ xấu đột nhập “cuỗm” đi.

Bạn đồng hành

Tờ mờ sáng, ông Lương Đức Xốp (54 tuổi, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cùng đàn chó, với những cái tên thân thương, như: Vện, Khoang, Vàng, Xám đi tuần tra quanh rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà). Những chú chó dẫn đầu đánh hơi, phát hiện người lạ hay cảnh báo cho ông Xốp biết các mối nguy hiểm trên đường.

Ông Xốp bảo rằng, ông đặt tên chúng dựa theo màu lông để dễ nhớ và dễ gọi. Mỗi ngày trên chặng đường tuần tra, những chú chó như người bạn đồng hành giúp ông vơi bớt nỗi cô đơn.

“Những chú chó là bạn, cũng hỗ trợ tôi khá nhiều khi tuần tra, bảo vệ rừng. Bởi khi có người lạ đột nhập vào rừng sẽ để lại dấu vết trên lá cây, hay dấu chân… Ngoài việc tôi quan sát bằng mắt phát hiện được thì những chú chó sẽ đánh hơi và sủa khi có dấu hiệu người lạ đột nhập. Đặc biệt, những chú chó đi trước cũng giúp cảnh báo khi phát hiện rắn, rết… tránh cho tôi bị tấn công”, ông Xốp nói.

Hợp đồng làm nhân viên bảo vệ rừng từ tháng 8/2022 đến nay, nhà gần rừng đặc dụng nhưng ông Xốp mới về thăm gia đình được đôi ba lần. Tết vừa qua, ông cùng mọi người ở lại túc trực ngày đêm để tránh rừng bị kẻ xấu xâm hại. Những bữa cơm Giao thừa, hay ngày Tết chỉ có mình ông với mấy chú chó mà ông xem chúng như bạn…

“Đêm giá lạnh, gió lùa tứ phía khiến nỗi nhớ nhà, nhớ bữa cơm sum họp nhiều hơn. May mắn những chú chó luôn đồng hành giúp tôi vơi bớt nỗi buồn trong những ngày lễ Tết”, ông Xốp tâm sự.

Cách lán của ông Xốp không xa, anh Lê Hoàng Cường (35 tuổi, huyện Đăk Glei, Kon Tum) đang chuẩn bị bữa trưa cho 2 người cùng mẹ con Cụt. Cụt là tên chú chó bị mất một bên chân vào 4 năm trước.

Thời điểm đó, chú chó đi trong rừng không may vướng vào bẫy bị dây kẽm gai cắt đứt chân trái phía trước. Tên Cụt cũng được mọi người gọi từ đó, đến nay chú chó cùng 3 con của mình tiếp tục ở lại lán bảo vệ rừng.

“Thời điểm bị dính bẫy, chúng tôi không biết tại sao Cụt có thể mạnh mẽ chạy về lán. Khi mọi người sơ cứu, cắt bỏ một chân cứ nghĩ Cụt sẽ chẳng qua khỏi. Thế nhưng, bằng một phép màu nào đó chú chó sống, đến nay khỏe mạnh và vẫn nhanh nhẹn.

Cụt là một chú chó trung thành, không rời bỏ vị trí mà mình canh gác bao giờ. Mỗi khi chúng tôi đi tuần tra, Cụt vẫn là thành viên dẫn đường giúp mọi người tránh bị thú rừng tấn công”, anh Cường chia sẻ.

Ông Lương Đức Xốp cùng đàn chó đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Lương Đức Xốp cùng đàn chó đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Bảo vệ cây chết

Rừng đặc dụng Đăk Uy có diện tích hơn 538 ha, với những loại cây quý hiếm như: Hương, sao… Đặc biệt là trắc Nam Bộ rất quý hiếm, có giá trị cao nên thường bị kẻ xấu dòm ngó.

Mỗi ngày ngoài việc tuần tra, bảo vệ diện tích rừng đang sinh trưởng và phát triển thì lực lượng kiểm lâm còn phải canh gác, giữ gìn những cây gỗ gãy đổ hay chết khô.

Qua thống kê, hiện rừng đặc dụng Đăk Uy có hơn 61 cây trắc chết đứng, bị ngã đổ và trên 100 gốc trắc cũ. Thế nhưng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, việc cắt cử cán bộ canh giữ từng cây trắc ngã đổ, chết khô hay gốc trắc cũ bị chia nhỏ và phân tán dẫn đến không đủ người, đủ sức để thực hiện nhiệm vụ.

Do đó, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã có tờ trình xin chủ trương Sở NN&PTNT để cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây trắc ngã đổ, bị chết khô và gốc cũ đem về kho quản lý, bảo quản.

Từ đó tránh tình trạng mất mát, thất thoát tài sản của Nhà nước. Đồng thời cũng giảm bớt kinh phí cắt cử, phân công cán bộ trông coi, canh gác hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay tờ trình vẫn chưa được thông qua nên lực lượng bảo vệ rừng vẫn phải ngày đêm túc trực, canh gác.

Ông H A Định dùng tôn bảo vệ cây trắc bị đổ và làm lán trại cạnh bên để tránh kẻ xấu xâm hại.

Ông H A Định dùng tôn bảo vệ cây trắc bị đổ và làm lán trại cạnh bên để tránh kẻ xấu xâm hại.

Trước kia, ông H A Định ở chiếc lán khang trang bên bìa rừng. Thế nhưng, từ ngày cây trắc trên diện tích ông ngày, đêm bảo vệ bị gãy đổ người đàn ông đành làm chiếc lán tạm bợ để canh giữ.

Ông bảo rằng, việc bảo vệ cây rừng chết khô hay gãy đổ còn khó khăn, vất vả hơn cây sống nhiều lần. Bởi cây gãy đổ thì dễ bị kẻ xấu chú ý và cưa xẻ, vận chuyển trộm ra khỏi rừng.

Cách lán ông H A Định ở khoảng 2 mét, một cây gỗ trắc dài khoảng 20m đã bị gãy đổ một thời gian. Thân cây bắt đầu mục do mưa nắng và mối mọt. Thế nhưng cây vẫn được bảo vệ bằng những tấm tôn và kẽm gai bao quanh. Chú chó - bạn đồng hành của ông H A Định cũng được xích vào thân cây nhằm cảnh báo khi có người lạ đến gần.

“Cái lán bên kia chỉ cách khoảng 15m là nơi trước đây tôi ăn, ngủ. Thế nhưng từ ngày cây đổ, tôi dựng lều tạm bên này để sinh hoạt và canh giữ, tránh kẻ xấu chặt hay vận chuyển đi. Dù ở cạnh bên, chỉ cách khoảng 2m nhưng tôi vẫn lo lắng nên dùng tôn, kẽm gai và đĩa CD cột quanh cây.

Nếu kẻ xấu có ý định cưa, di dời gỗ thì tôn, kẽm gai sẽ phát ra tiếng động giúp chúng tôi dễ dàng phát hiện. Tối đến, tôi lại thấp thỏm vì sợ kẻ xấu xâm hại nên cứ một lúc lại soi đèn để kiểm tra”, ông Định bộc bạch.

Ước mong

Những căn nhà tạm bợ của người giữ Rừng đặc dụng Đăk Uy.

Những căn nhà tạm bợ của người giữ Rừng đặc dụng Đăk Uy.

Bữa cơm của những người giữ rừng đơn sơ, mộc mạc.

Bữa cơm của những người giữ rừng đơn sơ, mộc mạc.

Đều đặn mỗi năm tăng cường về rừng đặc dụng Đăk Uy một tháng, ông H A Định có không ít kỷ niệm với nơi này. Thế nhưng, ông nhớ nhất là một lần đang nằm nghỉ lưng trên võng ở lán trại thì bất ngờ nghe tiếng “rắc… rắc” nhỏ rồi to dần.

Nghĩ có chuyện chẳng lành, thoáng chốc ông chạy ra ngoài. Bấy giờ thân cây to gần bằng hai người ôm bỗng dưng bị gãy, đổ đè vào giữa lán khiến nhiều đồ đạc bị hư hỏng.

“Đến giờ, khi nghĩ lại tôi vẫn còn lo sợ. Bởi khi đó nếu không chạy ra ngoài kịp có lẽ bản thân đã gặp nguy hiểm. Do đó, giờ đây nếu thấy cây khô hay cành có dấu hiệu gãy, tôi sẽ cột dây cố định nhằm tránh những sự cố đáng tiếc”, ông H A Định chia sẻ.

Không chỉ nỗi lo cây rừng ngã đổ, lực lượng bảo vệ rừng còn khó khăn khi lấy nước sinh hoạt, điện yếu và chỗ ở vẫn tạm bợ.

Cụm của ông Thẩm Bá Tòng (56 tuổi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum) gồm 4 người có nhiệm vụ bảo vệ 5ha rừng, chủ yếu là gỗ trắc, vườn thực vật… Do đó, những khu vực nào có trắc, ông cố gắng phát quang, dọn thực bì để dễ quan sát.

Mỗi ngày, ông lại nhờ người trông coi giúp để chạy xuống trạm chính, khoảng 3km chở nước về sử dụng. Với 3 - 4 can nước, khoảng 30 lít giúp ông cùng người bạn chung lán sử dụng ăn, uống và sinh hoạt trong một ngày. Căn nhà sàn cao ráo trước kia là nơi ông Tòng thường xuyên ngả lưng, tránh thú rừng sau một ngày canh gác.

Thế nhưng lâu nay nơi đó bị hư hỏng, xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào nên Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã dựng một chiếc lán tạm bằng tôn, bạt để lực lượng bảo vệ ăn uống, nghỉ ngơi.

Ông Trần Thanh Tân, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, bảo rằng, do diện tích lớn và chủ yếu là các loại cây rừng quý hiếm nên công tác tuần tra, bảo vệ khá vất vả.

Với diện tích hơn 538 ha, rừng đặc dụng Đăk Uy rất đa dạng về thực vật, với khoảng 36 loài trong đó 2 loài hương, trắc thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Ngoài ra cũng có nhiều loài động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm như: Mang lớn, trăn, cheo cheo...

Với 26 lán canh gác, mỗi tháng Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường thêm 18 người để tuần tra, bảo vệ rừng. Rừng đặc dụng Đăk Uy nằm gần Quốc lộ 14 nên đường sá bằng phẳng, việc ăn uống cũng thuận lợi.

Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn vì rừng nằm sát khu vực người dân sinh sống nên dễ bị tác động. Đặc biệt kẻ xấu thường xuyên lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa to, bão kéo dài để đột nhập vào rừng. Chính vì vậy, nhiều nhân viên bảo vệ rừng đã xin nghỉ việc, chủ yếu là những người trẻ do vất vả, áp lực và mức lương còn hạn chế.

“Để bảo vệ, giữ được rừng ngoài sức người, đơn vị còn ứng dụng công nghệ, định vị vệ tinh và đánh số ở các cây. Tuy nhiên, ngoài bảo vệ cây sống thì công tác giữ gìn, bảo quản cây chết khá vất vả.

Bởi anh em không thể di dời các cây vào cùng một vị trí để thuận lợi trông coi. Nếu có cơ chế tận thu những cây chết, gãy đổ thì sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tái đầu tư và giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi hơn.

Không những vậy, rừng đặc dụng cũng có môi trường sinh thái trong lành với nhiều loài động, thực vật nên rất đông du khách muốn tham quan, du lịch. Đơn vị cũng đã đề xuất lên các cấp để kết hợp làm du lịch sinh thái, tránh lãng phí tài nguyên”, ông Tân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ