Cảnh giác với ma túy “nước xoài” chưa từng có

GD&TĐ - Loại ma túy này được ngụy trang dưới dạng bột, đóng gói với nhãn mác “nước xoài”, pha vào nước để uống tạo ảo giác. Điều đáng báo động loại ma túy này đang được một bộ phận giới trẻ ưa sử dụng...

Tang vật công an thu giữ. Ảnh: Infonet
Tang vật công an thu giữ. Ảnh: Infonet

Sau thời gian theo dõi, mật phục, đêm 6/9, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 5 (TPHCM) đã chặn bắt Nguyễn Tiến Đạt (sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, quê An Giang) khi đối tượng này đang điều khiển xe máy trên đường Hùng Vương (quận 5).

Lực lượng công an khám xét và thu giữ trong túi áo khoác của Đạt một gói nylon ghi dòng chữ “Crispy Fruit Mango” bên trong chứa chất bột màu vàng nghi là ma túy.

Qua giám định, số chất bột màu vàng thu giữ được là ma túy ở thể rắn, thuộc loại bromazepam, có trọng lượng hơn 17,6 g.

Khai nhận tại cơ quan công an, Đạt cho biết trước đó thông qua mạng xã hội quen một người tên Th. (chưa xác định được lai lịch) từ tháng 4/2020.

Trong thời gian này, Th. thường kêu Đạt đi giao bóng cười hoặc “nước xoài” và trả công 100.000-200.000 đồng.

Ngày 5/9, Đạt sang huyện Nhà Bè gặp Th. và người này giao cho Đạt bốn gói “Crispy Fruit Mango” - đây là loại ma túy có tên là “nước xoài”, được pha vào nước để uống, tạo ảo giác.

Sau đó Đạt đi giao cho khách của Th. ba gói. Đến khoảng 22 giờ ngày 6/9, Th. gọi điện thoại cho Đạt kêu đi giao nốt gói còn lại với giá 2 triệu đồng cho một khách nữ tại một khách sạn ở phường 9 (quận 5). Khi Đạt đang đi giao hàng thì bị bắt.

Hiện cơ quan công an đang khẩn trương làm rõ.

Theo Nghị định 73/2018 ngày 15-5-2018 của Chính phủ Quy định danh mục chất ma túy và tiền chất thì chất Bromazepam được xếp vào danh mục 3 là các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo tài liệu y khoa, Bromazepam là thuốc chữa bệnh nhưng vì có thể gây lệ thuộc nên được sử dụng trong y học một cách hạn chế.

Bromazepam đã có trên thế giới từ những năm 1970 và có ở Việt Nam từ năm 1995.

Bromazepam dùng để điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm và mất ngủ. Liều tối đa được phép sử dụng là 30mg/ngày tức là 5 viên.

Nếu uống liều quá cao có thể dẫn đến hậu quả khôn lường là ngộ độc, hôn mê. Nếu uống thường xuyên, thuốc có thể gây lệ thuộc và ảnh hưởng não bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ