Cụ thể, thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Công điện số 200/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe, cách ly và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.
Quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ nhân viên trong nhà trường. Thông báo ngay cho các đơn vị y tế sở tại khi phát hiện có trẻ em, học sinh, sinh viên mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền tích cực giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng về phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người. Hướng dẫn cho học sinh, sinh viên có ý thức và kỹ năng phát hiện bệnh.
Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, thịt gia cầm phải được nấu chín; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ nhân viên nhà trường.
Đồng thời, thường xuyên làm vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trường học theo quy định.
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT khi xuất hiện dịch bệnh xảy ra tại cơ sở.