Đen thủi. To sụ. Xấu xí. Gồ ghề.
Ấy thế mà khi gọt sạch lớp vỏ chẳng có gì là thẩm mỹ ấy, xắt thành từng miếng rồi đem nấu canh với tôm bóc nõn thêm chút thịt nạc băm lại ngon phải biết. Thế nên, trường hợp này sao có thể “Trông mặt mà bắt hình dong”?
Mẹ bảo: Củ từ nhưng chị lại gọi tên: Củ… đầu. Cái tên mẹ gọi là theo “nội dung” bên trong - cũng mang cái màu trắng đục và bở tơi khi được nấu lên dăm phút. Còn tên chị gọi là gần sát với hình dạng bên ngoài bởi màu sắc và bừu bướu trổ lung tung.
Đầu năm, sau Tết nhất là lúc củ đầu/từ vào vụ. Dù có thân dây leo giống trầu không, vươn mình ra tứ phía nhưng dinh dưỡng thu về đều dồn vào củ duy nhất.
Củ đầu/từ to sụ, đen thủi, xấu xí. |
Chẳng chịu khiêm tốn khuôn mình lại thành hình tròn hay hình bầu dục mà nó tùy tiện phình ra thành hình thù có phần quái dị và nặng nề (nhỏ cũng năm bảy lạng, vạm vỡ phải ngót nghét hai ký lô cơ đấy).
Nấu cùng tôm bóc nõn và thịt nạc băm nhuyễn phi thơm với hành tỏi. |
Đợi người đi xa về, sau quãng ngày im lìm lăn lóc nơi góc bếp, những đầu bướu (mắt) củ đầu/từ bật ra mầm non tím sẫm, vươn thẳng.
Trước khi đem nấu canh đãi đứa con gái xa nhà, mẹ cắt khá sâu vào thân củ để lấy những cái bướu bật mầm non ấy rồi đem trồng xuống vồng đất đã được chuẩn bị sẵn ở ven tường rào. Vậy là sang năm sẽ lại có những bát canh củ đầu/từ ngọt mát gọi mời…