Cảnh báo từ Cù Lao Chàm

GD&TĐ - Tai nạn kinh hoàng trên vùng biển Cửa Đại, thị xã Hội An (Quảng Nam) hôm 26/2 đã cướp đi sinh mạng của 17 người là lời cảnh báo nóng sốt cho các tour du lịch biển đảo dọc các tỉnh miền Trung mùa này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vùng biển Hội An nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, hiếm khi có bão vào thời điểm sau Tết Âm lịch, giống lốc lại càng không. Thế nhưng, những trận gió mùa Đông Bắc tràn về cùng với không khí lạnh, là thủ phạm trực tiếp gây bao cảnh tang tóc cho dân chài trên biển xưa nay, còn bây giờ là cho khách du lịch tham quan các đảo.

Theo các nhân chứng kể lại, tàu rời Cù Lao Chàm tầm xế chiều ngày 26/2 chở theo 39 người, trong đó có 3 thuyền viên và 36 khách du lịch, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, sau khi đã tham quan hết buổi sáng tại hòn đảo này.

“Lúc lên tàu thì có sóng biển nhưng không đáng kể, chỉ đến khi cách Cửa Đại chừng 3 cây số thì sóng lớn làm lật ca nô”. Thực ra, toàn bộ đảo Cù Lao Chàm đã được che khuất gió từ hướng Đông Bắc nên cảng biển nằm ở phía Tây Nam đảo này “không có sóng” là chuyện dĩ nhiên.

Nhưng khi rời đảo, trên đường vào Cửa Đại thì tàu phải đối mặt với sóng gió nếu hôm nào biển động như hôm 26/2 là chắc chắn. Các thuyền viên đưa khách du lịch tham quan đảo thừa biết quy luật này. Đồn biên phòng ở đây cũng biết, song tất cả đều cho xuất bến để rồi tai nạn đã cướp đi 17 con người, thật quá đau xót!

Dẫn ra chuyện “biết” về quy luật gió mùa Đông Bắc ở vùng biển miền Trung không phải để đổ trách nhiệm lên những người lái ca nô và bộ đội biên phòng (nếu có) mà để nói rằng, mọi sự chủ quan khi đưa đón khách du lịch ra các đảo mùa này đều phải trả giá, có khi rất đắt.

Đoàn du khách này có lẽ sau nhiều tháng bị dịch Covid-19 giam hãm nên sốt ruột, muốn tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần mà được “đi khắp Hội An”, trong đó ra Cù Lao Chàm là một điểm đến. Còn Công ty du lịch Phương Đông - đơn vị tổ chức bán tour thì luôn “mặc định”, điểm Cù Lao Chàm là đi về trong ngày nên sóng gió gì cũng phải đi cho đúng kế hoạch.

Hơn nữa, hiện vùng biển miền Trung có gió rất mạnh, hướng đi của ca nô lại vuông góc với sóng biển nên dẫn đến việc tàu bị đánh úp. Nếu chìm vì thủng tàu thì may ra còn cứu kip vì ai cũng mặc áo phao nhưng tàu bị lật úp thì những ai may mắn thoát ra ngoài thì mới sống sót mà thôi. Trời lại đang rất lạnh cũng là một bất lợi cho công tác cứu hộ.

Chúng ta chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch sau hai năm bị dịch Covid-19 làm cho điêu đứng nên khi Nhà nước cho phép “mở cửa trở lại” thì tranh thủ gỡ gạc những năm thất bát vừa qua. Tuy nhiên, an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Dọc miền Trung có rất nhiều đảo luôn mời gọi du khách, nhất là những người chưa từng biết đảo là gì. Tuy nhiên, đi tour ra các đảo mùa này luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Chẳng hạn như đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, nếu du khách ra đảo thăm quan mùa này mà gặp đợt gió mùa thì ít nhất cũng phải ở lại thêm trên đảo vài hôm vì các trạm biên phòng không cho tàu khách xuất bến.

Rủi ro là điều không ai muốn, song rủi ro mà do chủ quan của con người thì thật đáng trách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ