Viêm da dị ứng - bệnh ngoài da mãn tính không có tính chất lây lan
Viêm da dị ứng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nhưng bệnh này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tỷ lệ trẻ em trên toàn thế giới mắc bệnh viêm da dị ứng khoảng 10-20%. Viêm da dị ứng là một bệnh ngoài da mãn tính nhưng không mang tính chất lây lan.
Bệnh viêm da dị ứng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. (Ảnh minh họa)
Bệnh Viêm da dị ứng trải qua 2 giai đoạn. Trong suốt giai đoạn bệnh không hoạt động thì da rất khô, bị kích ứng và cần phải được dưỡng ẩm hàng ngày. Giai đoạn hoạt động (hay "bùng phát" bệnh) thì đau đớn hơn và cần được điều trị với dược phẩm để làm dịu làn da bị viêm và giảm bớt cơn ngứa.
Những điều cha mẹ cần làm khi trẻ bị viêm da dị ứng
Có thể nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng khi chứng kiến con mình phải trải qua bệnh viêm da dị ứng mà không có cách chữa trị. Nhưng cha mẹ cần biết, chăm sóc da thường xuyên và kiên trì có thể giúp ngăn chặn bệnh trở nên tồi tệ hơn, làm dịu nhẹ làn da để giảm bớt đau đớn và ngứa có thể làm giảm căng thẳng, ngăn chặn nhiễm trùng da và không làm da bị dày lên.
Khi trẻ bị viêm da dị ứng, việc chăm sóc tại nhà là thích hợp. Cách chăm sóc cũng rất quan trọng, cần đúng cách để giúp trẻ dễ chịu, mau lành và tránh những biến chứng nguy hiểm. Giữ sạch và làm ẩm da nhằm duy trì chức năng hàng rào bảo vệ của da là biện pháp cơ bản của điều trị bệnh.
Các biện pháp khác là cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc với những chất kích thích, dị nguyên đặc hiệu và điều trị giảm ngứa, kháng viêm, kháng sinh theo hướng dẫn y tế.
Quá trinh làm sạch da cũng cần được tuân thủ cẩn thận. Cha mẹ nên tắm rửa cho trẻ hàng ngày, lau mặt bằng khăn nhúng nước ấm. Cha mẹ nên ngâm vùng da tổn thương nặng trong nước ấm 15 – 20 phút, sau đó lau khô nhanh và ngay lập tức bôi chất làm ẩm để ngăn cản tình trạng bốc hơi làm khô da. Tùy theo độ nặng hay nhẹ của bệnh mà cha mẹ ngâm da từ 1 – 3 lần/ngày.