Cảnh báo nguy hiểm khi dùng thảo dược tùy tiện

GD&TĐ - Nhiều người quan niệm, các loại cây cỏ thường tốt cho sức khỏe nên có thể dùng thoải mái. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm, dễ dẫn tới nguy hiểm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không nên tùy tiện mua thảo dược ở chợ về dùng

Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đăng tải bài viết cảnh báo nguy hiểm khi dùng thảo dược tùy tiện. Theo đó, nhiều người quan niệm, các loại cây cỏ thường tốt cho sức khỏe nên có thể dùng thoải mái. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm, dễ dẫn tới nguy hiểm...

Theo chị Phạm Thị Hồng Nhung (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang): “Nghe người ta nói lá sen làm trà uống hàng ngày sẽ giúp tiêu mỡ, tốt cho những ai đang bị béo phì. Đọc tài liệu thấy nó được xác định là tính mát, bình, không độc nên tôi đã mua về nấu nước uống hàng ngày. Dùng được 3 ngày thì tôi bị tiêu chảy, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều. Lúc đầu nghĩ có thể là tác dụng phụ trong quá tiêu mỡ nhưng dùng thêm 2 ngày nữa, tôi có triệu chứng tê lưỡi, nôn nao, da xanh tái và tụt huyết áp. Hoảng quá tôi đến gặp bác sĩ thì được biết mình bị ngộ độc lá sen”.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu thành công 1 bệnh nhân bị ngộ độc do uống nước cây vòi voi tươi. Bệnh nhân là ông H.K.N, 58 tuổi, trú ở phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang.

Theo lời kể của ông N., do ông bị đau lưng nhiều ngày, trong lúc đang điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu thì được người quen giới thiệu uống nước vòi voi tươi.

Sau gần 4 giờ uống vào thấy trong người nôn nao và bắt đầu bị nôn, kèm tiêu chảy liên tục nhiều giờ liền. May mà được người nhà đưa vào viện sớm...

Bác sĩ Mai Đình Trung, phụ trách nội khoa Trung tâm Dịch vụ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, có thể ông N. đã uống quá liều lượng nên bị ngộ độc.

Theo bác sĩ Trung, vòi voi chủ yếu có tác dụng chống viêm, giảm đau. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng một số loại vòi voi có nhiều độc tính, có thể gây tiêu chảy, ói mửa, nếu nặng có thể hủy hoại gan, lâu dài dẫn đến ung thư. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc.

Phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc  

Thời gian qua, không ít trường hợp bị ngộ độc hoặc có phản ứng phụ khi sử dụng các loại cây thuốc trong tự nhiên. Mặc dù các loại cây cỏ được Bộ Y tế công bố trong danh mục các loại thảo dược được phép sử dụng khá an toàn, song nếu dùng không đúng liều lượng sẽ rất nguy hiểm.

Kể cả những vị thuốc nam hoặc thuốc bắc đã qua sơ chế nhưng do cách bảo quản bằng hóa chất, các vi nấm mốc trong thuốc có thể gây suy gan, suy thận.

Không ít người, khi biết các loại cây như diệp hạ châu, cà dây leo... tốt cho người men gan cao, viêm gan, đã mua về nấu nước uống thay trà hàng ngày. Việc lạm dụng quá mức này rất dễ dẫn đến nguy hại cho cơ quan tiêu hóa và bài tiết.

Tiến sĩ Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hầu hết các cây thuốc quý được sử dụng trong Đông y đều qua kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, trước khi uống các loại thuốc đều cần tư vấn của những người có chuyên môn.

Sử dụng thuốc tùy tiện dễ dẫn tới những hậu quả khó lường. Trong nhiều loại bệnh, thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả điều trị, trong đó có cả bệnh lý về gan, xương khớp.

Tuy nhiên, thuốc đông y phải tinh khiết, phải là những bài thuốc y học cổ truyền được thừa nhận chứ không nên dùng thuốc trôi nổi trên thị trường hoặc cây cỏ theo lời đồn thổi. Đặc biệt, với một số bệnh, không thuốc đông y nào trị được mà chỉ mang tính bổ trợ. Vì thế, người bệnh không nên dùng thảo dược khi chưa có ý kiến của thầy thuốc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.