Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế gồm bệnh viện công lập, ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC); trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức; phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc xét nghiệm kháng thể Covid-19.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn 8114 về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Do đó, nhằm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị không sử dụng xét nghiệm kháng thể Covid-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Trước đó, đánh vào tâm lý của người dân muốn biết nồng độ kháng thể sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi mắc Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân tung ra các gói xét nghiệm với lời quảng cáo hấp dẫn...
Ngoài các cá nhân, cơ sở y tế đăng thông tin xét nghiệm kháng thể cho người dân với giá khá "chát" từ 300.000-600.000 đồng/lần, nhiều bệnh viện tư, thậm chí bệnh viện công tại TP Hồ Chí Minh, cũng đăng thông tin xét nghiệm dịch vụ kháng thể cho người dân sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có văn bản khẩn gửi viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.
Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị.