Ấn Độ lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng phương pháp tương tự như trên biển - chiếm lãnh thổ và đưa đối thủ trước một việc đã rồi.
Bắc Kinh cứng rắn, Delhi kiềm chế
Vào thời điểm hiện tại, trên một ngọn đồi, nơi hội tụ các biên giới của Trung Quốc và Liên minh Ấn Độ-Bhutan chưa vang lên tiếng súng. Tuy nhiên, những tuyên bố cứng rắn của các quan chức Trung Quốc chẳng khác gì bão đạn. Ngày 24/7, trong một buổi họp báo, Đại Tá Y Qian, đại diện của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng: Ấn Độ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh để bảo vệ những gì họ coi là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc trên cao nguyên Doklam.
“Dời núi thì dễ, nhưng lay chuyển Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thì rất khó” - Reuters trích lời Đại tá Y Qian.
“Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Ấn Độ có những bước đi thiết thực để sửa chữa sai lầm, chấm dứt các hành động khiêu khích và cùng Trung Quốc phối hợp trong việc bảo vệ hòa bình ở khu vực biên giới”- Y Qian nhấn mạnh.
Trước những tuyên bố cứng rắn của phía Trung Quốc, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj trong một cuộc họp của Quốc hội lại khá kiềm chế. "Nếu Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng ở ngã ba biên giới, nó sẽ là nguyên nhân để Ấn Độ lo ngại về an ninh"- Bà Sushma Swaraj nói.
Theo kênh truyền hình Al-Jazeera, cao nguyên Doklam không phải là lãnh thổ của Ấn Độ. Nó nằm một phần ở Vương quốc Bhutan - nước ký thỏa thuận an ninh với Ấn Độ. New Delhi lo ngại rằng việc xây dựng những con đường của Trung Quốc trong khu vực này sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp cận với cái gọi là "cổ gà" - một hành lang hẹp nối liền Ấn Độ đến các bang đông bắc của nước này.
Phía Ấn Độ kêu gọi rút quân và giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng. Tuy nhiên, Đại Tá Y Qian gọi rút bộ đội biên phòng Ấn Độ là điều kiện tiên quyết để giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay. Người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng loại trừ khả năng thỏa hiệp, khi nói đến “toàn vẹn lãnh thổ” của đất nước ông. Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, trên cao nguyên Doklam hiện tại có khoảng 300 binh sĩ mỗi bên đang trong tình trạng đối đầu.
Hòa giải hay đối đầu?
Trả lời phỏng vấn tờ "Nezavisimaya Gazeta", bà Tatiana Shaumyan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Viện Nghiên cứu phương Đông khẳng định: Cuộc xung đột vũ trang (giũa Ấn Độ và Trung Quốc-ND) nổ ra vào năm 1962. Hôm nay nó là một minh chứng về ý định. Nhưng tôi không tin Ấn Độ sẽ tiến hành chiến tranh với Trung Quốc. Từ năm 1962 đến nay là giai đoạn căng thẳng, các nước luôn thể hiện sức mạnh quân sự nhưng nó không dẫn đến chiến tranh.
Cao nguyên Doklam, nơi đang diễn ra tranh chấp có vị thế trọng yếu. Cuộc tranh chấp kéo theo Vương quốc Bhutan, nước có đại diện ở Liên Hiệp Quốc. Đó là một nhà nước độc lập nhưng nó có một thỏa thuận với Ấn Độ, theo đó, phía Ấn Độ chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới bên ngoài cho Bhutan.
Theo lời bà Tatiana Shaumyan, yếu tố làm phức tạp thêm cuộc tranh chấp là do cao nguyên này ở ngã ba của ba biên giới - Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc. Nhưng người Trung Quốc, theo ý kiến của Tatiana Shaumyan, cần phải nhớ rằng đây là biên giới với Ấn Độ - Tatiana Shaumyan kết luận.
Bây giờ tình hình đang thay đổi. Thành viên danh dự của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Zhou Bo tuyên bố rằng bằng cách ký một thỏa thuận với Ấn Độ, Bhutan sẽ hy sinh chủ quyền và phẩm giá của mình. Bhutan nên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và tự mình tiến hành đàm phán biên giới.
Trên thực tế, các chuyên gia Trung Quốc đang tích cực thực hiện chiến lược của Bắc Kinh mà mục tiêu của nó là tách khỏi Bhutan người bảo trợ - Ấn Độ.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Ấn Độ không bị mất hy vọng rằng cuộc xung đột vẫn sẽ được giải quyết. Ngày 27/7, hội nghị các cố vấn an ninh quốc gia từ năm quốc gia thành viên của BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi) được tổ chức tại Bắc Kinh. Đây là cơ hội để Cố vấn An ninh Ấn Độ Ajit Kumar Doval có thể đàm phán với người đồng cấp Trung Quốc về tranh chấp biên giới.