Căng thẳng trước chuyển giao quyền lực

GD&TĐ - Nước Mỹ đang ở trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nước Mỹ đang ở trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump, trong đó mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc được dự báo sẽ còn căng thẳng hơn trước.

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng là kết thúc nhiệm kỳ và rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã liên tục có các động thái không mấy dễ chịu nhằm vào Trung Quốc. Đây được coi là sự “mở sẵn đường” cho người kế nhiệm Donald Trump tiếp tục kế thừa chính sách của Washington với quốc gia tỷ dân.

Một trong những quyết định mới nhất nhằm vào Bắc Kinh của chính quyền ông Biden là công bố thực hiện cuộc điều tra thương mại dài hạn đối với chất bán dẫn thế hệ cũ được sản xuất tại Trung Quốc. Đây là nhóm các loại linh kiện công nghệ cấp thấp được sử dụng chủ yếu trong các loại hàng hóa dân dụng như ô tô, máy giặt cho đến thiết bị viễn thông cá nhân.

Chúng là các loại chip bán dẫn được nghiên cứu phát triển cách đây hơn một thập kỷ và có thiết kế đơn giản hơn nhiều so với các loại chip sử dụng trong các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc bộ vi xử lý tối tân hiện nay. Đây cũng là bước tiếp nối một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc trong những năm qua.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, có 2/3 sản phẩm của nước này sử dụng chip công nghệ cũ của chính nước Mỹ nhưng có tới 50% các doanh nghiệp Mỹ không nắm rõ nguồn gốc linh kiện bán dẫn thế hệ cũ đang dùng và đây được Washington cho là một lỗ hổng nghiêm trọng trong bảo mật.

Động thái mới này của Mỹ đã bị phía Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối và cho rằng cuộc điều tra chỉ nhằm bảo hộ cho các công ty Mỹ, làm gián đoạn chuỗi cung cứng toàn cầu về chip. Tác động ngay lập tức của biện pháp do Mỹ đưa ra chưa thể nhận biết được vì cần nhiều thời gian thực hiện, nhưng đây là bước leo thang mới giữa hai nước trong cuộc cạnh tranh về lĩnh vực bán dẫn hiện nay.

Bên cạnh đó, một động thái khác của Tổng thống Joe Biden cũng gặp phải thái độ gay gắt của Trung Quốc là việc ký ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2025 (NDAA 2025), trong đó trao cho Bộ Quốc phòng Mỹ khoản ngân sách cao kỷ lục 895 tỷ USD. Nổi bật trong khoản ngân sách này là phân bổ 300 triệu USD cho đảo Đài Loan mua sắm khí tài phòng vệ, bao gồm tên lửa, hệ thống phòng thủ bờ biển.

Đạo luật NDAA 2025 do ông Biden ký được coi như “món quà” dành cho người kế nhiệm Donald Trump khi tiếp quản Nhà Trắng. Giới phân tích lo ngại đạo luật này cùng hàng loạt chính sách khác thiết lập dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ được ông Donald Trump tận dụng triệt để, qua đó có thể đưa tình trạng cạnh tranh và đối đầu Mỹ - Trung trên nhiều lĩnh vực lên một tầm cao mới.

Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên cách đây hơn 4 năm, ông Donald Trump từng là người khơi mào cho cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi đưa ra các chính sách dẫn đến nhiều vấn đề căng thẳng về an ninh, mở đầu cho mối quan hệ khó khăn giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc như hiện nay.

Do đó các nhà phân tích có nhiều cơ sở để dự báo căng thẳng Mỹ - Trung sẽ có tiềm năng gia tăng trong 4 năm tới dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. Tuy nhiên, với tư duy ưu tiên tập trung cho vấn đề đối đối nội và phát triển kinh tế, hai nước Mỹ - Trung cũng có nhiều lý do để kiềm chế tránh “giọt nước làm tràn ly” trong quan hệ song phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ