Kỳ tích bầu cử ở Mỹ

GD&TĐ - Phía trước nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống năm nay tiếp tục là thời kỳ đầy bất an và bất ổn về chính trị - xã hội nội bộ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cách đây gần 4 năm, khi buộc phải rời Nhà Trắng để nhường chỗ cho người kế nhiệm là ông Joe Biden, tổng thống mãn nhiệm và thất bại trong việc có được nhiệm kỳ cầm quyền tiếp theo Donald Trump (đảng Cộng hòa) đã tuyên bố: “Tôi sẽ trở lại”. Bốn năm sau, người này trở lại thật sau thắng cử rõ ràng và thuyết phục trước ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Kamala Harris.

Sự trở lại này của ông Trump được coi là kỳ tích trong lịch sử bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Ông Trump ứng cử tổng thống và vận động tranh cử trong tình cảnh bị vướng vào đồng thời mấy vụ án hình sự cũng như dân sự, đã bị tòa án kết tội hoặc đang ấn định ngày đưa ra xét xử.

Trong vận động tranh cử, người này hai lần bị mưu sát. Trong 60 lần bầu cử tổng thống ở Mỹ mới chỉ có một tổng thống có được hai nhiệm kỳ liên tục. Đảng Cộng hòa giành về cả Nhà Trắng lẫn Thượng viện từ tay đảng Dân chủ. Tương quan quyền lực chính trị ở nước Mỹ vậy là đã thay đổi rất cơ bản bởi kết quả cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống diễn ra trong ngày 5/11 vừa qua.

Ông Trump kiểm soát gần như tuyệt đối đảng Cộng hòa. Cho nên không khó gì để có thể dự liệu được rằng ở nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai, chính trị đối nội ở nước Mỹ sẽ thiên lệch rõ ràng về phía cánh hữu và bảo thủ, cực đoan, thái quá. Nước Mỹ ở thời ông Trump lại cầm quyền sẽ hướng nội là chủ yếu và điều này ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực nhiều hơn tích cực tới vị thế, vai trò, ảnh hưởng của nước Mỹ ở thế giới bên ngoài.

Ông Trump thắng bà Harris trước hết vì đã thành công hơn hẳn trong việc vận động bộ phận cử tri vốn luôn trung thành với mình và ủng hộ mình từ trước đến nay. Trước những cử tri khác, ông Trump đã gây dựng nên hình ảnh về người lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán, kiên định mục tiêu đề ra; tạo cảm nhận chung trong cử tri ở Mỹ, đặc biệt ở bộ phận cử tri thuộc giới trẻ, về tuýp người lãnh đạo mà nước Mỹ đang cần trong thực trạng, bối cảnh tình hình thế giới ở bên ngoài hiện tại.

Bà Harris không có được thời gian dài để vận động tranh cử như ông Trump vì người phụ nữ này chỉ mới nhập cuộc sau khi tổng thống đương nhiệm Joe Biden buông bỏ vận động tranh cử. Bà Harris không thiếu tiền quyên cho tranh cử nhưng không có đủ thời gian cho một cuộc vận động thật sự bài bản và hiệu quả.

Cử tri chờ đợi bà Harris thể hiện sự khác biệt với cả ông Trump và ông Biden trong nội dung quan điểm ở cương lĩnh tranh cử nhưng lại chỉ tập trung vào thể hiện sự khác biệt với ông Trump. Cơ hội thắng cử của bà Harris là tạo dựng dấu ấn riêng khi cầm quyền chứ không phải ở tiếp nối và kế thừa quan điểm chính sách cầm quyền của ông Biden. Nói theo cách khác, cử tri Mỹ thà cá cược với Trump 2.0 còn hơn là chấp nhận Biden 2.0.

Phía trước nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống năm nay tiếp tục là thời kỳ đầy bất an và bất ổn về chính trị - xã hội nội bộ. Thế giới bên ngoài nước Mỹ sẽ bị tác động không nhỏ. Những chuyện chính trị thời sự của thế giới sẽ biến động bởi quan điểm chính sách cầm quyền của tân tổng thống Mỹ. Nhưng có thể chắc chắn được một điều là không nhờ ông Trump trở lại cầm quyền mà những chuyện ấy sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.