Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khó có thể thành chiến tranh

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khó có thể thành chiến tranh

(GD&TĐ) - Thứ Bảy (30/3), CHDCND Triều Tiên tuyên bố chính thức bước vào tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc. Tên lửa chiến lược của Triều Tiên đã ở trong trạng thái sẵn sàng nhả đạn vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Thái Bình Dương và ngay cả lãnh thổ của nước Mỹ.

Trên thực tế, chiến tranh Triều Tiên chưa hề kết thúc kể từ năm 1950. Trên thực tế, Bình Nhưỡng không tuyên bố chiến tranh vì nó chỉ đơn giản là chưa kết thúc. Hãng thông tấn chính thức của CHDCND Triều Tiên KCNA tuyên bố: “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lâu nay không có hòa bình, cũng không phải là chiến tranh; thực trạng đó đến nay đã chấm dứt”.

Tuyên bố trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng khẳng định mọi chuyện sẽ được giải quyết “theo nguyên tắc thời chiến”. Điều đó có nghĩa là mọi hành động khiêu khích từ phía Hàn Quốc và Mỹ đều bị giáng trả đích đáng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un làm việc với các tướng lĩnh quân đội
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un làm việc với các tướng lĩnh quân đội

Theo các nhà phân tích thì không có gì mới trong tuyên bố vừa qua của Bình Nhưỡng. Đe dọa sẽ biến Seoul thành “biển lửa” được vang lên khá nhiều lần. Tuy nhiên, lần này tuyên bố của Bình Nhưỡng cụ thể hơn. Rằng họ sẽ tiêu diệt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam, Hawaii, Hàn Quốc và ngay trên lãnh thổ nước Mỹ.

Tuyên bố của CHDCND Triều Tiên là hoàn toàn có cơ sở bởi họ vừa phóng thử tên lửa đưa vệ tinh vào không gian thành công. Với tầm bắn vượt 10 ngàn km, tên lửa Unha-3 có thể đưa đầu đạn hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tới bờ đông của Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Washington vừa phải tăng cường thêm 14 tên lửa đánh chặn GBI ở Alaska.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không chỉ được thể hiện bằng lời nói. Song song với cuộc tập trận bắn đạn thật có quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc vừa diễn ra, Bình Nhưỡng cũng có những hành động đáp trả bằng cuộc tập trận bắn đạn thật có quy mô không kém. 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích khó có khả năng Bình Nhưỡng, Seoul và Washington đang hướng tới chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng, mật độ dân số ở Hàn Quốc không cho phép diễn ra những cuộc tập trận bắn đạn thật dài kỳ. Thêm nữa, nền kinh tế thế giới sẽ chịu những tổn thất lớn lao nếu một nền công nghiệp khổng lồ như Hàn Quốc lâm vào tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nếu không cẩn thận, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả khu vực.

Đa số các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố cứng rắn của hai miền Triều Tiên trong thời gian qua xét cho cùng cũng chỉ là so đọ bản lĩnh của nhau. Rất có thể sau khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn kết thúc, chính sách thù địch với CHDCND Triều Tiên giảm đi thì tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ lắng xuống. Thực tế cho thấy, những đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên không dẫn đến những biến động lớn từ phía quân đội Hàn Quốc. Có thể Nga và Trung Quốc có những lo ngại về những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhưng Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác không đánh giá cao những tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng.

Các nhà phân tích cho rằng: Thứ nhất, Bình Nhưỡng đang tìm mọi cách khẳng định vị thế lãnh đạo tuyệt đối của Kim Jong Un. Những tuyên bố cứng rắn vừa qua cùng cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục ngàn người tại quảng trường Kim Nhật Thành đã làm uy tín của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un nâng lên đáng kể.

Thứ hai, Bình Nhưỡng muốn mặc cả trên bàn đàm phán với Mỹ. Bình Nhưỡng muốn Mỹ phải thừa nhận CHDCND Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, từ đó xác định vị thế bình đẳng của họ trên bàn đàm phán.

Thứ ba, theo truyền thống mỗi khi Hàn Quốc có Tổng thống mới cũng là lúc CHDCND Triều Tiên thể hiện những động thái mang tính “cân đo” bản lĩnh của họ và lần này không phải là một ngoại lệ.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.