Căng mình ôn thi trong giai đoạn 'nước rút'

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đang cận kề, vì vậy thầy, trò Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang căng mình ôn luyện cả ngày lẫn đêm.

Giờ sinh hoạt buổi chiều của học sinh Trường THPT DTNN Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.
Giờ sinh hoạt buổi chiều của học sinh Trường THPT DTNN Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) năm nay có 177 học sinh (HS) lớp 12 sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Trong đó, có 41 HS đăng kí thi khối tự nhiên, còn lại là khối xã hội.

Chủ động, linh hoạt

Cô Hà Thu Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với mục tiêu giúp học trò nhà trường vững vàng tâm lý để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho các em. Giáo viên (GV) chủ nhiệm và GV bộ môn tập trung củng cố kiến thức đã học cho HS, giúp các em hiểu sâu thêm nội dung học tập đã được thầy, cô truyền dạy trong các tiết học chính khoá.

“Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên. Qua việc ôn tập có thời gian để giáo viên uốn nắn và khắc phục những hạn chế yếu, kém của học sinh trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh có thời gian va chạm với các dạng đề thi, có kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống trong khi thi. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình làm bài thi, để đạt điểm cao và có cơ hội đậu Đại học của học sinh. Đồng thời, củng cố vị trí thứ hạng và hướng tới tăng thứ hạng của nhà trường trong bảng xếp hạng chung về chất lượng giáo dục của tỉnh”, cô Dung chia sẻ.

Cũng theo cô Dung, tất cả HS khối 12 đều phải tham gia ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch chung của nhà trường. GV được phân công ôn thi phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra, tình nguyện để hỗ trợ HS trong việc hướng dẫn ôn tập để các em có kết quả cao.

Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch, đảm bảo đầy đủ nội dung ôn tập cho học sinh. Phân bố thời gian hợp lý tuỳ theo các bộ môn như kế hoạch đã nêu. Kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở để các tổ chuyên môn nghiêm túc thực hiện kế hoạch đề ra.

Xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ thi khảo sát trong khoảng thời gian hợp lý, có nhận định, phân tích, đánh giá kết quả bài thi để điều chỉnh, định hướng cho GV ôn tập và động viên giúp đỡ những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp cố gắng trong học tập. Lập thời khoá biểu hợp lý để giáo viên và học sinh thực hiện công tác ôn tập. Chủ động xây dựng kế hoạch của tổ, nhóm chuyên môn theo dự kiến thời gian đối với mỗi môn để triển khai thực hiện như kế hoạch nhà trường đề ra.

Học sinh khối 12, Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang tập trung ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Thế Lượng.

Học sinh khối 12, Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang tập trung ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Thế Lượng.

“Nhà trường yêu cầu GV chủ nhiệm khối 12 nhắc nhở học sinh nghiêm túc thực hiện lịch ôn thi đã ban hành, phối hợp với GV bộ môn để nắm tình hình ôn tập của học sinh. Giáo viên phải kịp thời trao đổi với phụ huynh về kết quả học tập, kết quả khảo sát của HS sau các kỳ thi khảo sát do nhà trường tổ chức.

Đối với GV bộ môn thì phải chủ động, linh hoạt thực hiện các nội dung, kế hoạch ôn tập mà tổ, nhóm chuyên môn đã xây dựng được phê duyệt. Động viên, khích lệ học sinh tham gia ôn tập để đạt kết quả cao trong các kỳ thi khảo sát và ở kỳ thi chính thức. Kịp thời phát hiện những vướng mắc, các điểm yếu của học sinh trong quá trình ôn tập và từ kết quả các kỳ thi khảo sát để định hướng kịp thời cho học sinh”, cô Dung nói.

Thầy, cô "ba cùng" với học trò

Từ khi kết thúc năm học, các lớp 10 và 11 đã nghỉ học, cô Dung đã chuyển đồ dùng cá nhân của mình vào trường để ở lại với HS và GV. Hàng ngày, nữ hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường cùng ở lại trường để quán xuyến công việc, động viên học trò, các thầy, cô giáo tham gia ôn thi, nhằm khích lệ tinh thần hăng say của mọi người.

Thầy Lê Văn Thảo – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi kết thúc năm học, HS khối 10 và 11 nghỉ hè, nhà trường tập trung cao độ cho việc ôn thi tốt nghiệp đối với HS khối 12.

“Trong giai đoạn ôn thi “nước rút”, Hiệu trưởng nhà trường đã chuyển đồ dùng cá nhân vào ở hẳn tại trường, để ngày đêm quán xuyến, đồng hành với giáo viên tập trung ôn thi cho học trò. Hàng ngày, hiệu trưởng cùng ăn cơm với học sinh ở bếp ăn của nhà trường. Tối đến, Ban giám hiệu cùng nhau lên giảng đường với các em, để khích lệ tinh thần học tập của học sinh”, thầy Thảo thông tin.

Cũng theo thầy Thảo, từ khi kết thúc năm học đến khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp, nhà trường thống nhất với phụ huynh HS là không cho bạn nào nghỉ học về thăm nhà, trừ phi gia đình có công việc bất khả kháng. Phụ huynh muốn đến trường thăm con, thì nhà trường tạo điều kiện hết sức. Nếu phụ huynh muốn ngủ lại cùng con, nhà trường cũng sẽ bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo. Với cách làm như vậy là để tránh gây xáo trộn tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe cho học trò trong thời các em tập trung cao độ để ôn thi.

Em Phạm Thị Lan Anh (lớp 12A4), nhà ở huyện Lang Chánh, cho biết: Khi bắt đầu bước vào giai đoạn ôn thi “nước rút” các em được thầy, cô giáo và đặc biệt là cô hiệu trưởng, thầy hiệu phó hàng ngày luôn đến các lớp động viên học sinh tập trung ôn thi.

Em Phạm Thị Lan Anh (lớp 12A4 - áo đỏ) cùng các bạn đang được thầy giáo tập trung truyền đạt kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Ảnh: Thế Lượng.

Em Phạm Thị Lan Anh (lớp 12A4 - áo đỏ) cùng các bạn đang được thầy giáo tập trung truyền đạt kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Ảnh: Thế Lượng.

“Chúng em rất vui và cảm thấy thật hạnh phúc khi được các thầy, cô giáo luôn quan tâm. Các thầy, cô không chỉ động viên chúng em tập trung ôn thi thật tốt, mà còn lo lắng cho chúng em về bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày. Chúng em sẽ cố gắng ôn tập thật tốt, vượt qua kỳ thi sắp tới, để không phụ công lao của các thầy, cô giáo đã dìu dắt chúng em 3 năm qua”, em Lan Anh tâm sự.

Bên cạnh việc “ba cùng” với học trò, Ban giám hiệu Trường THPT DTNT Ngọc Lặc cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo sức khỏe, giữ gìn an toàn cho học sinh đến khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp.

Theo nữ Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu đã họp bàn với phụ huynh và đề nghị tăng khẩu phần ăn cho các con trong thời gian tập trung ôn thi cao độ này. “Phụ huynh rất đồng tình đóng góp thêm mỗi ngày 10.000 đồng, để bộ phận nhà bếp tăng khẩu phần ăn cho học sinh. Bình thường, mỗi bữa chính, một học sinh ăn 15.000 đồng, thì từ nay đến khi kết thúc kỳ thi, mỗi suất ăn được tăng thêm 5.000 đồng nữa, giúp các em đảm bảo sức khỏe đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng”, cô Dung thông tin.

Không chỉ quan tâm đến vấn đề ăn uống, đảm bảo sức khỏe cho HS, mà Trường THPT DTNT Ngọc Lặc còn xây dựng phương án đưa, đón học sinh đến điểm thi trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho HS, trong những ngày diễn ra kỳ thi, nhà trường tổ chức xe đưa, đón tập trung thí sinh đến điểm thi. “Mỗi lớp có 1 đại diện phụ huynh cùng đi với giáo viên nhà trường đưa thí sinh đến điểm thi. Sau khi kết thúc môn thi, nhà trường lại đón các em về ăn, nghỉ tại ký túc xá. Tuyệt đối không một em nào tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân của mình, kể cả những em có nhà ở gần điểm thi. Chúng tôi thực hiện phương án này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe cho thí sinh”, bà Dung chia sẻ.

“Năm ngoái, nhà trường có 95,48% HS đạt nguyện vọng 1 vào đại học. Số điểm 10 đứng thứ 4 toàn tỉnh (16 điểm 10). Số thí sinh đạt 27 điểm tổ hợp có 55 em (chiếm 35%). Xếp hạng thứ 3 toàn tỉnh, so với Trường THPT chuyên Lam Sơn, THPT Hàm Rồng và tăng 47 bậc so với đầu vào.

Năm nay, qua kỳ khảo sát lần 2 của Sở GD&ĐT, nhà trường đứng thứ 3 toàn tỉnh, sau Trường THPT chuyên Lam Sơn, THPT Hàm Rồng”, cô Hà Thu Dung – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ