Trong thập kỷ qua, 38 quốc gia thành viên OECD đều đưa ra chính sách khuyến khích du học sinh ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp nhưng kết quả giữa các nước rất khác nhau.
Ước tính, hơn 60% sinh viên quốc tế du học năm 2015 vẫn ở lại Đức và Canada đến năm 2020. Con số này là khoảng 50% với Australia, Estonia và New Zealand. Ngược lại, số lượng du học sinh ở lại làm việc tại Đan Mạch, Slovenia, Italy và Na Uy là dưới 15%.
Báo cáo đồng thời chỉ ra cử nhân quốc tế chiếm tỷ lệ đáng kể trong số lao động nước ngoài ở các nước OECD.
Ông Joybrato Mukherjee, Chủ tịch Tổ chức Trao đổi học thuật Đức (DAAD), đánh giá dữ liệu mới “vẽ nên một bức tranh tích cực” cho nước Đức.
“Từ số liệu mới, chúng ta có thể thấy rằng, sinh viên quốc tế hiện chiếm tỷ lệ trên mức trung bình trong tổng số lao động nhập cư có tay nghề cao. Trong lĩnh vực du học, Đức cũng có sức hút cao đối với sinh viên quốc tế”, ông Joybrato cho biết.
OECD nhận định, sinh viên quốc tế ở lại nước sở tại sau khi tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm dài hạn ngang với tỷ lệ có việc làm của người di cư lao động và cao hơn của người di cư nói chung.