Canada: Số lượng du học sinh mới tụt dốc

GD&TĐ - Canada có khả năng không đạt được mục tiêu cấp gần 300 nghìn thị thực du học quốc tế mới vào năm 2024.

Số lượng du học sinh mới tại Canada năm 2024 sẽ giảm.
Số lượng du học sinh mới tại Canada năm 2024 sẽ giảm.

Nguyên do là tốc độ phê duyệt thị thực du học chậm và tỷ lệ từ chối cao như hiện nay

Năm 2023, khi Bộ Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) đã phê duyệt hơn 400 nghìn thị thực du học mới, nâng tổng số sinh viên quốc tế theo học tại Canada lên hơn một triệu. Từ năm 2024, chính phủ quyết định giới hạn thị thực du học trong 2 năm tới. Trong đó, năm 2024 giảm khoảng 35% lượng sinh viên quốc tế mới xuống còn 364 nghìn người.

Chính phủ giới hạn số lượng thị thực với hai lý do chính thức. Đầu tiên, việc gia tăng số lượng sinh viên quốc tế làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở tại Canada. Thứ hai, nhiều người nhập cư vào Canada qua thị thực du học nhưng không để học tập.

Do đó, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3 năm nay, số lượng đơn xin cấp thị thực du học được phê duyệt giảm hàng trăm nghìn so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình xử lý giấy phép bị tạm dừng hoặc kéo dài thời gian trong khi cơ quan chức năng xác thực thông tin với cơ sở giáo dục mà sinh viên nộp đơn.

Ngoài ra, tỷ lệ chấp thuận thị thực đã giảm từ 55% vào năm 2022 xuống 50% trong giai đoạn tháng 1 - 4 năm nay. Cụ thể, trong số 152 nghìn đơn xin cấp thị thực, khoảng 76 nghìn đơn được chấp thuận. Một nguyên nhân cho sự sụt giảm này có thể là do chứng minh tài chính. Chính phủ Canada đã tăng gấp đôi mức chứng minh tài chính đối với sinh viên quốc tế lên 14,6 nghìn USD.

Trước tình hình trên, tổ chức giáo dục ApplyBoard cảnh báo chính phủ Canada sẽ không thể đạt được mục tiêu tuyển sinh 364 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2024. Bởi lẽ dưới sự giới hạn của Canada, nhiều sinh viên sẽ cân nhắc chuyển sang du học tại các quốc gia cạnh tranh khác như Mỹ, Australia, Vương quốc Anh...

Thời gian xét duyệt thị thực lâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhập học của sinh viên quốc tế. Nếu chậm trễ, họ sẽ không thể nhập học đúng hạn và phải chuyển sang một quốc gia hoặc trường khác. Nhưng kéo theo đó, uy tín của các tổ chức giáo dục Canada sẽ giảm dần.

Các cơ sở giáo dục đại học cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng trên. Theo đại diện Career Colleges Ontario (CCO), nhóm vận động hành lang cho các trường cao đẳng tư thục, các trường cao đẳng, đại học đã gặp khó khăn trong những năm Covid-19, sau đó là lạm phát. Việc giới hạn thị thực sẽ khiến tuyển sinh quốc tế khó khăn hơn, cản trở sự phục hồi của lĩnh vực giáo dục đại học.

Còn đại diện Hiệp hội các trường đại học Canada (UC) cho biết: “Việc giới hạn thị thực du học đã tác động đến quá trình tuyển sinh của các trường. Trong tương lai, chính sách trên sẽ cản trở các trường đại học thu hút nhân tài toàn cầu”.

Ông Meti Basiri - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ApplyBoard, nhấn mạnh: “Canada sẽ rất khó đạt được mức trần năm 2024 nếu không có sự thay đổi đáng kể. Con số thực tế sẽ giảm 10 - 15% so với mức trần”.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chương mới trong lịch sử Nhật Bản

GD&TĐ - Vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba, 67 tuổi, làm Thủ tướng kế nhiệm ông Fumio Kishida.