Cần xem xét lợi và hại nếu lắp camera hành trình cho xe máy

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng quy định xe máy cũng phải lắp camera hành trình cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét lợi và hại.

Lắp camera hành trình xe máy có vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân hay không? (Ảnh minh họa)
Lắp camera hành trình xe máy có vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân hay không? (Ảnh minh họa)

Lợi hay hại?

Bộ Công an vừa hoàn tất Dự thảo (lần 4) Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới.

Tại Điều 33 của Dự thảo quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình và đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, các chuyên gia...

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho biết, tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành.

Nếu Dự thảo luật này được Quốc hội thông qua, sẽ có hàng chục triệu mô tô, xe máy bắt buộc phải gắn các thiết bị giám sát hành trình, việc này khó bảo đảm tính khả thi.

Việc lắp các thiết bị này sẽ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

“Hiện vẫn chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình. Việc yêu cầu lắp các thiết bị dữ liệu, hình ảnh người lái xe vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân; đồng thời sẽ liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng các thiết bị phải được cấp phép và việc lắp các thiết bị này sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đánh giá.

Tương tự, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, trên thực tế, hiện dù không có quy định bắt buộc nhưng rất nhiều chủ xe ô tô cá nhân, xe gắn máy đã lắp đặt camera hành trình dùng để hỗ trợ quan sát khi di chuyển, lưu lại hình ảnh di chuyển trên các cung đường.

Nhờ có dữ liệu hình ảnh từ camera hành trình cung cấp, nhiều trường hợp tranh cãi khi tham gia giao thông đã được giải quyết mà không cần nhờ đến sự phân giải của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, việc lắp đặt này là do nhu cầu và tính tự giác của chủ xe.

Theo đại biểu Trịnh Minh Bình, nếu quy định toàn bộ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi hiện nay, số lượng mô tô, xe máy đang lưu thông ở nước ta quá lớn nên quy định có phạm vi tác động rộng.

Tăng camera giám sát trên tuyến đường

Anh Tạ Tú Thành là tài xế xe ôm công nghệ cho rằng, việc sử dụng camera khi tham gia giao thông là rất cần thiết, vì khi xảy ra các sự vụ liên quan trên đường cũng có thể kiểm tra lại. Tuy nhiên, việc lắp đặt camera chỉ nên dùng với đặc thù công việc của từng người, không nên áp dụng tất cả.

“Nếu tính bài toán kinh tế thì đây là việc quá lãng phí cho người dân. Nếu tính giá bình quân 2,5 triệu đồng một chiếc camera hành trình x 73 triệu xe máy là gần 200.000 tỷ đồng. Số tiền này để trang bị camera giao thông từng con ngõ, từng con phố và từng tuyến đường, như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, anh Thành nêu ý kiến.

Còn ông Trần Đức Hùng, nhân viên giao vận cho một công ty mỹ phẩm đặt câu hỏi, lắp camera hành trình cho xe máy không khó. Tuy nhiên mục đích lắp là gì? Nếu chỉ là vì để xử lý vi phạm thì thay vì đó hãy lắp camera công cộng sẽ tốt hơn. Nên khuyến khích thay vì bắt buộc.

“Thay đề xuất yêu cầu lắp camera cho từng ô tô, xe máy sao không đề xuất tăng cường lắp đặt camera giám sát trên các tuyến đường giao thông? Đồng thời nâng cấp chất lượng quản lý, giám sát và xử phạt qua camera công cộng như vậy có phải sẽ hiệu quả hơn không? Từ đó vừa giảm số lượng camera cần thiết, giảm quân số của lực lượng chức năng mà người tham gia giao thông sẽ phải chấp hành đúng luật”, ông Hùng chia sẻ.

Đại diện Cục CSGT cho biết, xe máy chuyên dụng được nêu trong dự thảo luật là phương tiện thực hiện chức năng công dụng đặc biệt, khi lưu thông ngoài đường cần có camera hành trình, khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với mô tô, xe gắn máy cá nhân, chứ không bắt buộc.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, việc lắp đặt camera hành trình sẽ hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Camera hành trình còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông; ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường; người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ; lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại phương tiện của mình hoặc của người khác.

Đại diện đơn vị xây dựng Dự thảo cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, các cơ quan chức năng để đánh giá tác động của chính sách để phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định sao cho bảo đảm quản lý xã hội phục vụ lợi ích của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ