Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, lắp camera giám sát hành trình sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người điều khiển phương tiện. Do đó, toàn bộ phương tiện được gắn camera thì trật tự ATGT sẽ được giám sát một cách đầy đủ hơn.
Thêm gần 4 triệu ô tô lắp giám sát hành trình
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất điều kiện để xe cơ giới chuyên dùng tham gia giao thông có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải mà xe ô tô cá nhân tới đây cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Thống kê mới nhất thì cả nước hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ô tô hiện có. Nếu cả ô tô cá nhân cũng phải lắp camera giám sát hành trình theo quy định của Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông thì sẽ có thêm gần 4 triệu ô tô nữa phải thực hiện quy định này.
Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, các sở GTVT hiện đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý hoạt động của loại hình xe ghép, xe đi chung, xe trung chuyển. Những chiếc xe này núp bóng ô tô cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải, không đổi biển số màu vàng nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm...
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, trong kinh doanh vận tải việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ phục vụ công tác quản lý Nhà nước (giám sát về tốc độ, hành trình phương tiện, thời gian lái xe...), mà còn phục vụ cho việc quản trị của doanh nghiệp vận tải. Dữ liệu camera giám sát cũng giúp quản lý chặt quá trình vận hành trên đường của tài xế, xử lý các tình huống của hành khách, ví dụ như để quên hành lý.
Tuy nhiên, đối với đề xuất ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, với gần 4 triệu xe đang lưu thông trên cả nước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, điều này có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập…
“Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với tác dụng mang lại”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ trong giám sát trật tự giao thông sẽ tạo sự minh bạch, khách quan, toàn diện. Song song với việc ban hành luật, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình phù hợp với loại xe ô tô cá nhân. Thực tế hiện nay dù chưa có quy định, nhưng nhiều chủ xe, lái xe đã chủ động lắp đặt thiết bị camera quay bên ngoài xe.
Nên khuyến khích thay vì bắt buộc
“Theo quy định hiện hành, tất cả ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng việc quản lý các thiết bị này thời gian qua rất chệch choạc. Giờ chúng ta bắt buộc tất cả các xe thì dường như hơi quá sức đối với cơ quan quản lý”, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng, việc lắp camera giám sát hành trình với xe ô tô cá nhân sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.
Tạo sự minh bạch, khách quan, toàn diện, đồng thời, trong một số trường hợp, camera giám sát hành trình giúp bảo vệ quyền lợi của người điều khiển phương tiện. Do đó, toàn bộ phương tiện được gắn camera thì trật tự xã hội sẽ được giám sát một cách đầy đủ hơn.
Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nhìn nhận, chi phí lắp đặt thiết bị có thể sẽ là khó khăn khi triển khai nhưng xét về ý nghĩa, tác dụng mà quy định mang lại trong bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng con người, nếu tuyên truyền để người dân hiểu thì sẽ nhận được đồng thuận.
“Việc lắp đặt một camera trên xe ô tô dao động từ 2 - 5 triệu đồng. Nhưng so với những chi phí khác khi không may xảy ra các vấn đề trong quá trình tham gia giao thông nhiều lỗi có mức phạt tới cả chục triệu đồng. Tôi nghĩ rằng hiệu quả việc lắp đặt camera giám sát được nhiều hơn mất. Thực tế, hiện nay dù chưa có quy định nhưng rất nhiều chủ xe đã chủ động lắp đặt thiết bị này, camera quay bên ngoài xe nên cũng không ảnh hưởng đến quyền riêng tư, tự do cá nhân”, ông Khương Kim Tạo cho biết.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông, cho biết, thực tế hiện nay nhiều phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe, nhằm giúp cho người điều khiển theo dõi xác định được vị trí tài sản, phương tiện của mình. Song song đó, khi xảy ra tai nạn giao thông thiết bị giám sát hành trình rất hữu ích đối với lái xe cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc. Hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cần có thí điểm, đưa ra lộ trình phù hợp, bởi còn liên quan đến chi phí bỏ ra mua sắm thiết bị.