Gánh nặng về dinh dưỡng của trẻ em Việt
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho hay, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
“Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt nam là 18,2% - thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với số liệu lần lượt là 24,8% cùng 25,9%.
Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng. Trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi, gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 - tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm” – ông Dương nêu số liệu.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.
Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, theo PGS.TS. Trần Thanh Dương, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng.
Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình.
Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.
Mô hình điểm bữa ăn học đường
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một điểm nhấn về giải pháp trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Đó là Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Được biết, mô hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, được thực hiện tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.
Cụ thể, sau khi thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng và xây dựng thực đơn phù hợp với từng địa phương, bữa ăn học đường trong mô hình điểm nói trên được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học.
Can thiệp chính của Mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể như cần nhân rộng mô hình điểm; Xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường, đó sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường; Đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học.
Đề xuất Luật hóa dinh dưỡng học đường
Tại hội thảo, GS.TS.BS. Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị Luật hóa/chính sách hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ.
“Các hoạt động về dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.
Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh” – bà Hợp nêu ý kiến.
Đại diện cho đơn vị đồng hành, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH – bày tỏ: “Sức khỏe là tài sản lớn nhất của đời người. Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng.
Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như ngũ cốc, rau củ, thực phẩm và các sản phẩm từ sữa và cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững”.
Tại Việt Nam, TH là đơn vị khởi xướng và đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan ban ngành từ những ngày đầu xây dựng, triển khai các chương trình dinh dưỡng Quốc gia.
Cụ thể, năm 2013, TH là đơn vị tiên phong trong Chương trình Quốc gia Sữa học đường, đi đầu trong việc xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK”. Đây là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/07/2016, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học.
Năm 2018, Tập đoàn TH phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc tế và công bố “Đề án Dinh dưỡng” người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, trong đó có 2 tiểu đề án triển khai các các hoạt động tổng thể về dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi vàng gồm: Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ; Nghiên cứu đề xuất phương án cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho trẻ lứa tuổi học đường.
Trong 6 năm qua, Tập đoàn TH đã đồng hành triển khai nhiều nghiên cứu/thực nghiệm để có các căn cứ khoa học bài bản cho tiếp cận chính sách, tiên phong thực thi trách nhiệm doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần 2, các vấn đề về dinh dưỡng học đường tiếp tục được đề cập với các góc nhìn cấp thiết từ thực tế và đưa ra giải pháp, kinh nghiệm quốc tế. Thông qua các hoạt động bài bản này, Tập đoàn TH kiên trì thực hiện sứ mệnh Vì sức khỏe cộng đồng.