Cẩn trọng với đau ngực không do tim

GD&TĐ - Một thống kê đáng chú ý tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, hơn một nửa số ca đau ngực đến khám tại bệnh viện không liên quan đến tim.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đau ngực thường khiến nhiều người lo lắng về các vấn đề tim mạch. Tuy nhiên, một thống kê đáng chú ý tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, hơn một nửa số ca đau ngực đến khám tại bệnh viện không liên quan đến tim.

Cẩn thận nhầm lẫn triệu chứng

Bà N.T.H. (62 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực thường xuyên, không liên quan đến gắng sức, xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm. Với tiền sử tăng huyết áp, bà và gia đình hết sức lo lắng về khả năng bị nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim và xét nghiệm men tim, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã loại trừ nguyên nhân do tim. Bác sĩ xác định bà H. bị trào ngược dạ dày thực quản nặng. Acid từ dạ dày trào lên thực quản gây kích ứng, tạo ra cảm giác đau thắt ngực giống như triệu chứng đau tim.

Tương tự, ông T.V.K. (45 tuổi, ngụ Long An, nhân viên văn phòng) thường xuyên chịu áp lực công việc, đến bệnh viện với triệu chứng đau âm ỉ vùng ngực trái, thỉnh thoảng kèm theo cảm giác khó thở, hồi hộp.

Dù rất lo lắng về bệnh tim, kết quả các xét nghiệm cho thấy không có bất thường về tim mạch. Sau khi loại trừ các nguyên nhân liên quan đến tim, các bác sĩ nhận định ông K. có biểu hiện của rối loạn lo âu lan tỏa.

“Các bác sĩ cho biết cơn đau ngực của tôi thực chất là biểu hiện của tình trạng căng thẳng kéo dài. Liệu pháp tâm lý và thuốc an thần nhẹ đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của tôi, và tôi hoàn toàn không mắc bệnh lý về tim”, ông K. chia sẻ.

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Tuyết Mai - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các trường hợp như bà H. và ông K. là ví dụ điển hình về đau ngực không do tim.

Các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, thậm chí lan lên vai trái thường khiến cả bệnh nhân lẫn bác sĩ ban đầu nghĩ đến bệnh tim. Tuy nhiên, khám lâm sàng kỹ lưỡng kết hợp với các xét nghiệm chuyên biệt có thể giúp xác định nguyên nhân thực sự.

Trong nhiều trường hợp, các bệnh lý không liên quan đến tim lại “mượn” biểu hiện đau ngực để cảnh báo. BS Mai nhấn mạnh, người dân không nên chủ quan với bất kỳ cơn đau ngực nào, đồng thời cần giữ bình tĩnh để bác sĩ có thể tiến hành các bước chẩn đoán chính xác.

can-trong-voi-dau-nguc-khong-do-tim-1.jpg
TS.BS Lương Cao Sơn - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: M.T

Quan niệm sai lầm phổ biến

Không giống với suy nghĩ của nhiều người, đau ngực không do tim là tình trạng rất phổ biến nhưng dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán sai hướng. Các triệu chứng của tình trạng này có thể mô phỏng gần như hoàn toàn cơn đau thắt ngực thật sự - từ cảm giác đè ép, thắt chặt vùng sau xương ức, đến lan ra vai, cổ, hàm hoặc tay trái. Chính vì vậy, việc phân biệt giữa đau ngực do tim và không do tim là một trong những thách thức lâm sàng lớn.

TS.BS Lương Cao Sơn - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, quan niệm “đau ngực là đau tim” là một suy nghĩ sai lầm, dù không hoàn toàn vô lý. Vùng ngực là nơi tập trung của nhiều cơ quan khác nhau và bất kỳ tổn thương nào trong số đó cũng có thể tạo ra cảm giác đau.

Hệ thần kinh chi phối khu vực này rất phức tạp và có hiện tượng chồng lấp, vì thế một kích thích đau từ thực quản, phổi, thành ngực, hay thậm chí từ yếu tố tâm lý cũng có thể được cảm nhận như một cơn đau tim.

Đa dạng nguyên nhân, triệu chứng phức tạp

Theo TS.BS Lương Cao Sơn, có thể chia các nguyên nhân gây đau ngực không do tim thành 5 nhóm chính: Bệnh lý tiêu hóa, bệnh lý hô hấp, bệnh cơ xương khớp, yếu tố tâm lý và một số nguyên nhân khác.

Đầu tiên là nhóm bệnh lý tiêu hóa, trong đó trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân hàng đầu. Acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản không chỉ gây viêm loét niêm mạc mà còn kích thích các đầu mút thần kinh, tạo cảm giác đau rát, khó chịu ở ngực, đôi khi giống hệt cơn đau thắt ngực. Ngoài ra, co thắt thực quản cũng có thể dẫn đến những cơn đau ngực dữ dội.

Nhóm bệnh lý hô hấp cũng là nguyên nhân phổ biến. Viêm phổi, viêm màng phổi có thể gây đau nhói khi hít thở sâu hoặc khi ho. Thuyên tắc phổi - tình trạng nguy hiểm do cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch phổi có thể biểu hiện bằng đau ngực đột ngột kèm theo khó thở.

Ở nhóm bệnh lý cơ xương khớp, các tình trạng như viêm sụn sườn (hội chứng Tietze) gây đau nhói ở vùng xương ức hoặc xương sườn, cơn đau thường tăng khi vận động hoặc khi ấn vào vùng bị tổn thương. Ngoài ra, đau cơ thành ngực do căng cơ, chấn thương hoặc gắng sức cũng là nguyên nhân không hiếm gặp.

Về yếu tố tâm lý, rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài có thể gây ra cảm giác đau âm ỉ, tức ngực, khó thở, hồi hộp. Đây là loại đau ngực chức năng, không đi kèm tổn thương thực thể tại tim hay các cơ quan khác.

Cuối cùng, một số nguyên nhân ít gặp nhưng đáng lưu ý như bệnh zona (do virus Herpes zoster) có thể gây đau rát dữ dội dọc theo dây thần kinh liên sườn. Ngoài ra, các khối u tại trung thất hoặc màng phổi cũng có thể là thủ phạm gây ra các cơn đau ngực kéo dài.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, quy trình tiếp cận bệnh nhân đau ngực được xây dựng chặt chẽ với các bước phân loại nguy cơ, thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Nếu không phát hiện tổn thương tim mạch, các bác sĩ sẽ mở rộng phạm vi chẩn đoán để tìm kiếm các nguyên nhân khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ