Cẩn trọng khi đi truyền dịch

GD&TĐ - Liên tiếp hai trẻ tử vong sau khi truyền dịch tại Hà Nội và Hải Phòng khiến người dân không khỏi lo lắng. Bởi không ít gia đình khi có người thân bị bệnh đều sử dụng liệu pháp này.  

Phòng khám chuyên khoa không có chức năng truyền dịch
Phòng khám chuyên khoa không có chức năng truyền dịch

Tử vong do sốc

Chiều 16/10, một trẻ 22 tháng tuổi ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (Hà Nội) được bố mẹ đưa đến Phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (số 392 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) để khám với các dấu hiệu sốt, tiêu chảy. Bệnh nhân được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch (loại dịch truyền là Ringer lactat).

Sau, khi truyền được khoảng 15 phút, cháu bé có biểu hiện tím tái. Bác sĩ Cúc lập tức rút kim truyền và trực tiếp cùng gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến viện, cháu bé đã có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4 mm – không phản xạ ánh sáng. Cháu bé được cấp cứu theo phác đồ, nhưng sau hơn 30 phút không có kết quả. Bệnh nhi được chẩn đoán tử vong ngoại viện.

Để đảm bảo an toàn, tránh được tai biến, dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn rối loạn điện giải, về nguyên tắc việc truyền dịch phải được tiến hành ở cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn, có dụng cụ và thiết bị xử lý tai biến. Các tai biến khi truyền dịch có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Một tai biến nguy hiểm có thể đến bất ngờ, đó là phản ứng toàn thân. Lúc đó, bệnh nhân cảm giác rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực. Khi gặp tình huống này, bệnh nhân phải được nhân viên y tế có chuyên môn, kinh nghiệm xử trí kịp thời nhằm tránh những diễn tiến nguy hiểm hơn. 

Báo cáo nhanh do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền ký có ghi: Sở Y tế đã rà soát lại giấy phép hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Nội tại địa chỉ 392 đường Ngô Gia Tự. Đây là phòng khám được cấp phép hoạt động gồm bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc – chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám và y sĩ Đinh Thị Hằng Nga – nhân viên hợp đồng. Để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ việc, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám này.

Cùng ngày tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân (Hải Phòng), một bé gái 6 tuổi cũng tử vong sau khi truyền nước. Cụ thể, vào khoảng 4 giờ 50 phút sáng 16/10, ca trực cấp cứu của Bệnh viện đã tiếp nhận cháu N. N. H, trú tại quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) trong tình trạng mệt mỏi, môi khô, đi ngoài và nôn nhiều.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu H bị mất nước nặng, phổi thông khí kém nhưng nhịp tim vẫn bình thường (110 lần/phút). Các bác sĩ trực đã chỉ định cho thở oxy, truyền nước điện giải, ủ ấm cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau khoảng 40 phút truyền dịch, bệnh nhân có biểu hiện co giật, nên kíp trực đã tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu 115 để phối hợp cấp cứu, nhưng cháu bé đã tử vong.

Chuyên gia cảnh báo

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Phòng khám chuyên khoa Nội số 392 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Long Biên, (Hà Nội) có phạm vi hoạt động chuyên môn được phê duyệt gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa. Như vậy, phòng khám này thực hiện truyền dịch cho cháu bé là đã vượt quá phạm vi, chức năng được phê duyệt trong quá trình hành nghề.

Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo: Những cơ sở nào chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật cũng không được phép truyền dịch. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội mới cấp phép truyền dịch cho các phòng khám đa khoa, vì ở đó có phòng cấp cứu cùng trang thiết bị. Còn ở các phòng khám chuyên khoa mới chỉ có phòng chống sốc.

Khi đã xảy ra sốc phản vệ thì việc chống sốc chỉ là giải pháp ban đầu. Sau đó, các bác sĩ vẫn phải tiến hành cấp cứu tiếp, nên ở các phòng khám chuyên khoa không đủ điều kiện cấp cứu bệnh nhân. Do đó, để đảm bảo an toàn về tính mạng, bệnh nhân khi cần thực hiện truyền dịch phải đến phòng khám đa khoa và bệnh viện để thực hiện thủ thuật này.

Việc truyền dịch phải do chỉ định của bác sĩ, phụ thuộc vào các xét nghiệm cũng như thể trạng của bệnh nhân. Tất cả các thuốc đều có tác dụng điều trị bệnh, tuy nhiên vẫn có những phản ứng phụ không mong muốn. Và có thể tốt với người này, nhưng không tốt với người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.