Cần tổ chức các hoạt động tạo hứng thú khi trẻ lớp 1 lần đầu đến trường

GD&TĐ - Đó là một trong những nội dung vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh khi các cơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh trở lại sau nhiều tháng học trực tuyến.

Quan tâm, động viên tinh thần trẻ lớp 1 khi lần đầu tới trường sau nhiều tháng nghỉ dịch là nhiệm vụ quan trọng với các nhà trường.
Quan tâm, động viên tinh thần trẻ lớp 1 khi lần đầu tới trường sau nhiều tháng nghỉ dịch là nhiệm vụ quan trọng với các nhà trường.
Ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ban hành công điện gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT về một số lưu ý khi đón học sinh học trực tiếp. Người đứng đầu ngành Giáo dục yêu cầu, trong những ngày đầu học sinh đi học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện và dành lượng thời gian phù hợp để các em làm quen trở lại với hình thức học này.

Riêng trẻ lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cân phổ biến quy định về học tập, sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú cho học sinh, hướng dẫn kiến thức phòng dịch; thầy cô cần tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em, tăng cường tương tác giữa học sinh trong lớp học. Đặc biệt, tránh kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0... 

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, đơn vị này đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn các xã/thị trấn xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, các phương án, quy trình đảm bảo an toàn trường học, phòng chống dịch trong trường học.

Chỉ đạo các trường thực hiện tuyên truyền đến phụ huynh về chủ trương đón học sinh trở lại trường; phối hợp tổng vệ sinh khử khuẩn khuôn viên, lớp học; chuẩn bị các điều kiện để con em trở lại trường học trực tiếp.

Thầy cô sẽ tiếp tục dạy cho học sinh các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT.
Thầy cô sẽ tiếp tục dạy cho học sinh các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT.

Cô Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng cho hay, trước ngày 10/2, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp; tiến hành vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường lớp; phân luồng, hướng ra vào lớp học đối với các khối lớp; bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, kích hoạt các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.

Theo chị Hoàng Thúy Hường, phụ huynh một trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, việc thành phố cho phép đón học sinh trở lại trường học trực tiếp là rất đáng hoan nghênh, học sinh cảm thấy rất háo hức như ngày vui được tựu trường. Chị cho rằng, khi đón học sinh thì quan trọng nhất là đảm bảo nguyên tắc "5K". Thầy cô cũng đã tổ chức họp phụ huynh để thông tin về các biện pháp phòng chống dịch trước khi con đến trường. Đó là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh hiện nay. 

Cô Phạm Bích Hậu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Xuân, huyện Quốc Oai chia sẻ, khi trẻ đến trường, mỗi khối sẽ học ở một dãy nhà riêng biệt và đi vào theo hàng lối, không tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau. Ngay từ cổng trường đã có máy sát khuẩn tự động, đo thân nhiệt, học sinh phải đeo khẩu trang. Trong mỗi phòng học, thầy cô sắp xếp chỗ ngồi của các em đảm bảo giãn cách.

Trong suốt quá trình học cũng như ra về, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách và đi theo hàng lối để ra về. Nhà trường cũng đã chủ động sẵn sàng các phương án dự phòng nếu phát sinh tình huống. Đặc biệt, với trẻ lớp 1 lần đầu tới lớp, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động nhằm tạo hứng thú cho học sinh.  

"Các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh học tập ở trường, ở nhà cũng như việc đi lại hàng ngày từ trường về nhà và ngược lại. Thường xuyên theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời" - công điện của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.